Các giai đoạn thoái hóa khớp gối: Điều bạn nên biết
Việc nắm rõ các giai đoạn của thoái hóa khớp gối giúp người bệnh có thêm nhiều thông tin cần thiết để xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp với phác đồ điều trị từ bác sĩ. Nếu bạn đọc cũng đang có những thắc mắc liên quan đến chủ đề này thì đừng bỏ lỡ bài viết ngày hôm nay.
Các giai đoạn của thoái hóa khớp gối cần biết
Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn đệm nằm ở vị trí giữa xương đùi và xương ống chân bị suy giảm về kích thước, trở nên xẹp và mỏng hơn. Bệnh lý này rất dễ xảy ra ở những người cao tuổi, người từng bị chấn thương đầu gối. Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố khác dẫn đến bệnh có thể kể đến như béo phì hoặc di truyền trong gia đình.
Giống như tên gọi thoái hóa khớp gối, đây là dạng bệnh tiến triển theo thời gian. Điều này cũng có nghĩa là lớp sụn khớp sẽ bị bào mòn dần dần, người bệnh chỉ có thể làm chậm tiến trình này chứ không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Một số các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm có đau nhức khớp gối, âm thanh nghe rõ khi co duỗi chân, cứng khớp và khả năng di chuyển bị hạn chế.
Theo các bác sĩ, các giai đoạn thoái hóa khớp gối thường được chia thành năm cấp độ, cụ thể như sau:
Thoái hóa khớp gối độ 1
Cấp độ này theo các tài liệu y tế cũ còn được gọi là cấp độ 0 – Mức độ bình thường. Điều này có nghĩa là khớp gối không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của việc tổn thương hay suy giảm chức năng theo thời gian.
Thoái hóa khớp gối độ 2
Đối với giai đoạn này, việc thoái hóa xương mới chỉ chớm xuất hiện. Vì vậy người bệnh thường không nhận thấy rõ ràng các thay đổi trên cơ thể. Nếu theo dõi trên phim chụp X-quang ở cấp độ 2, các bác sĩ nhận thấy rằng bao xơ sụn đệm bị bào mòn và chớm rách ở mức độ rất nhỏ, không có sự xuất hiện của gai xương.
Tuy nhiên, vẫn có một số các trường hợp bệnh nhân đầu gối không sưng tấy hay biến dạng nhưng khi hoạt động quá sức (ví dụ: Leo cầu thang, ngồi xổm trong thời gian dài, đi bộ hoặc chạy bộ quá lâu,..) thì vẫn xuất hiện cảm giác đau nhức khó chịu.
Thoái hóa khớp gối độ 3
Các bác sĩ thường đánh giá mức độ ảnh hưởng của cấp độ này ở mức nhẹ. Nếu quan sát hình ảnh đầu gối trên phim chụp X-quang, người bệnh có thể nhận thấy gai xương đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên sụn đệm nằm giữa các đốt xương vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu, tức là các đốt xương vẫn giữ được khoảng cách an toàn, không bị va chạm hay cọ sát vào nhau khi chuyển động chân.
Ở giai đoạn này, các chất hoạt dịch đóng vai trò làm nhờn ổ khớp, giúp hoạt động của đầu gối linh hoạt hơn vẫn được cơ thể sản sinh ở mức độ vừa đủ. Nếu như ở cấp độ 2, dấu hiệu thoái hóa vẫn còn mơ hồ thì sang đến cấp độ 3, người bệnh bắt đầu nhận thấy một số triệu chứng rõ ràng. Ví dụ như: Đau đầu gối sau khi đi bộ hoặc chạy bộ, cảm giác đau tồi tệ hơn nếu co hay gập đầu gối, cứng khớp nếu không hoạt động trong vài giờ,..
Thoái hóa khớp gối độ 4
Giai đoạn này được đánh giá là có mức độ ảnh hưởng ở mức trung bình. Cũng ở giai đoạn 4, khi quan sát hình ảnh khớp gối trên phim X-quang, người bệnh sẽ thấy sự phát triển về kích thước của gai xương cũng như sự xói mòn rõ ràng của sụn đệm nằm giữa các đốt xương. Các chất hoạt dịch mất đi nhiều đoạn cắt proteoglycan và collagen, khiến khớp gối trở nên khô cứng hơn vì thiếu sự bôi trơn.
Thoái hóa khớp gối độ 4 có thể khiến người bệnh có nhiều triệu chứng khó chịu như: Đau đầu gối trong tất cả các trường hợp ngồi, đứng, đi lại hay nằm, cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc nếu ngồi trong thời gian dài, khi di chuyển đầu gối phát ra tiếng lục khục.
Thoái hóa khớp gối độ 5
Đây được xem là giai đoạn cuối cùng của bệnh lý thoái hóa khớp đầu gối và được các chuyên gia xếp vào mức độ nặng. Hình ảnh khớp gối trên phim chụp X-quang lúc này thấy rõ khoảng cách giữa các đốt xương chân giảm đi đáng kể, sụn đệm trở nên xẹp mỏng. Do sụn đệm bị biến chất hoàn toàn, chất hoạt dịch cũng mất đi khả năng bôi trơn mà ma sát giữa xương khớp gối tăng lên.
Lúc này hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tăng sản xuất hoạt chất metalloproteinases, TNF và cytokines – hoạt chất gây ra tình trạng viêm sưng ở các mô mềm tại đầu gối. Người bệnh cảm nhận đầy đủ các triệu chứng của thoái hóa giai đoạn nặng, gồm có: Đau dữ dội không thể đi lại hay thực hiện bất kỳ công việc gì, sưng tấy ở đầu gối, thậm chí là sự biến dạng của đầu gối.
Điều trị và chăm sóc người bệnh ở các giai đoạn thoái hóa khớp gối khác nhau
Việc điều trị thoái hóa khớp phụ thuộc hoàn toàn vào việc người bệnh đang ở giai đoạn thoái hóa nào, mức độ tổn thương ra sao và có tiền sử chấn thương hay di truyền trong quá khứ hay không. Các bác sĩ khuyến khích người bệnh đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi phát hiện triệu chứng đau nhức đầu gối để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.
Phương pháp điều trị đối với các giai đoạn thoái hóa khớp gối
Mỗi giai đoạn thoái hóa đều có sự khác biệt trong quá trình xây dựng phác đồ cũng như sử dụng thuốc. Ở cấp độ 1 người bệnh chưa phải áp dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa. Các cấp độ sau điều trị cụ thể như sau:
- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, thường thì người bệnh sẽ không cần trải qua bất kỳ can thiệp ngoại khoa hay việc sử dụng các loại thuốc điều trị chuyên biệt. Những biện pháp mà người bệnh nên áp dụng lúc này là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể, tăng cường luyện tập thể thao và dùng một số thực phẩm chức năng để cung cấp glucosamine hay chondroitin với cơ xương khớp.
- Cấp độ 3: Cũng giống như cấp độ 2, ở cấp độ 3 tình trạng thoái hóa mới ở mức độ nhẹ nên chưa cần dùng thuốc đặc trị. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải duy trì việc luyện tập thể dục thường xuyên cũng như có các biện pháp bảo vệ đầu gối như dùng nẹp chuyên dụng và sử dụng miếng lót giày. Nếu tình trạng đau kéo dài, người bệnh có thể uống thuốc giảm đau, ví dụ như acetaminophen, aspirin,..nhưng cần xin tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa trước đó.
- Cấp độ 4: Đối với các trường hợp thoái hóa ở cấp độ 4, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số những loại thuốc trị thoái khóa khớp như: Corticosteroids giảm viêm dạng tiêm (ví dụ: triamcinolone acetonide), thuốc giảm đau gây nghiện (ví dụ: codeine, oxycodone), chất bôi trơn khớp dạng tiêm axit hyaluronic. Bên cạnh đó, phương pháp vật lý trị liệu như châm cứu, massage hay bấm huyệt cũng được khuyến khích.
- Cấp độ 5: Vì sụn đệm lúc này đã mất hoàn toàn khả năng cải thiện và hồi phục, các bác sĩ thường sẽ lựa chọn phương án phẫu thuật. Đối với thoái hóa khớp đầu gối, can thiệp ngoại khoa thường gồm có phẫu thuật sắp xếp lại xương và phẫu thuật thay đầu gối. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần vật lý trị liệu để đảm bảo khả năng vận động không bị ảnh hưởng. Các phương pháp này cũng được nhận định là có tỷ lệ tái phát thấp.
Chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp gối
Bên cạnh vấn đề điều trị, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình chăm sóc:
- Chế độ dinh dưỡng: Thực phẩm cho người bị thoái hóa khớp gối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân nặng và có khả năng giảm thiểu tiến triển của thoái hóa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh nên bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây, hải sản, cá, nước hầm xương,..cũng như nên tránh xa đồ ăn nhiều đường, muối, đồ chiên rán, ngũ cốc tinh chế và thực phẩm giàu axit béo omega-6.
- Tập thể dục thường xuyên: Cũng giống như dinh dưỡng, tập thể dục có khả năng cải thiện tình trạng đau nhức, tăng tuần hoàn máu cũng như ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa trở nên nặng hơn. Người bệnh nên lựa chọn các môn thể thao ít gây tổn hại đến đầu gối như yoga, bơi lội, đi bộ trên máy tập, xà đơn,…
- Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà: Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ, việc dùng các loại thuốc giảm đau thường xuyên không được khuyến khích vì chúng có thể gây hại cho dạ dày. Thay vào đó, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng đau nhức tại nhà như chườm lạnh, chườm nóng, trà thảo mộc,…
Hy vọng với những thông tin nói trên, bạn đọc đã phần nào giải đáp được những thắc mắc về chủ đề “Các giai đoạn thoái hóa khớp gối”. Để đảm bảo sức khỏe cơ xương khớp luôn khỏe mạnh, đừng quên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày cũng như tăng cường bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn.