Suy thận mạn: Dấu Hiệu Cảnh Báo Suy Thận Giai Đoạn Nguy Hiểm
Theo thống kê, tỷ lệ dân số Việt Nam hiện nay mắc bệnh suy thận mạn lên đến 3,1%. Tỷ lệ này trên thực tế có thể còn cao hơn do con số ước chừng không tính đến những trường hợp xét nghiệm nước tiểu bình thường nhưng chức năng thận có dấu hiệu suy giảm.
Suy thận mạn là gì? Các giai đoạn của suy thận mạn
Suy thận mạn tính là hậu quả cuối cùng của hàng loạt các bệnh thận – tiết niệu mạn tính. Bệnh gây suy giảm chức năng thận tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất dần chức năng lọc cầu thận.
Suy thận mạn có thể tiến triển nặng lên theo từng đợt và cuối cùng khi đến giai đoạn cuối, thận mất hoàn toàn chức năng. Lúc này đòi hỏi phải điều trị thay thế chức năng thận bằng các biện pháp như lọc máu, ghép thận,…
Khi mức lọc cầu thận (MLCT) giảm xuống dưới 50%, tức là dưới 60ml/phút trên 3 tháng thì được xem là tình trạng suy thận mạn tính.
Suy thận mạn tính được chia thành các giai đoạn sau:
- Bệnh thận mạn độ 1: MLCT > 90 ml/ph/1,73m2.
- Bệnh thận mạn độ 2: MLCT 60 – 89 ml/ph/1,73m2.
- Bệnh thận mạn độ 3: MLCT 30 – 59 ml/ph/1,73m2.
- Bệnh thận mạn độ 4: MLCT từ 15 – 29 ml/ph/1,73m2.
- Bệnh thận mạn độ 5: MLCT < 15 ml/ph/1,73m2.
Nguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn tính?
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy thận mạn tính có thể kể đến như:
- Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lý như giảm đau (acetaminophen, ibuprofen, naproxen),… dùng thường xuyên trong thời gian dài có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
- Nhiễm trùng đường niệu, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, lupus hay suy tim sung huyết cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Bất kỳ bệnh lý nào khởi phát từ thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh. Thường hay gặp nhất viêm cầu thận mạn, chiếm khoảng 40%. Sau đó đến viêm thận bể thận mạn, chiếm khoảng 30%. Các bệnh như: viêm thận kẽ, bệnh mạch thận, bệnh thận bẩm sinh do di truyền hoặc không di truyền (thận đa nang, loạn sản thận hay hội chứng Alport),… nếu không được dự phòng đúng cách cũng có khả năng cao dẫn đến suy thận kinh niên.
Triệu chứng của viêm thận mạn tính
Bệnh viêm thận mạn tiến triển chậm nên các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu, thường khó nhận biết hoặc khi xuất hiện lại gây nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác.
Phải đến khi bệnh tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn 2 hoặc 3 thì bệnh nhân mới chú ý đến các dấu hiệu của bệnh và bắt đầu điều trị.
Một số triệu chứng điển hình hay gặp gồm:
- Phù: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân có thể có triệu chứng phù ít hay nhiều. Nhưng đến khi suy thận mạn giai đoạn 5, phù là triệu chứng hằng định.
- Thiếu máu: Độ suy thận càng tăng, triệu chứng thiếu máu càng nặng. Đây cũng là triệu chứng chính xác để phân biệt với suy thận cấp.
- Tăng huyết áp: 80% bệnh nhân có tăng huyết áp, cần lưu ý có từng đợt tăng huyết áp ác tính làm chức năng thận suy giảm nhanh chóng dẫn đến tử vong nhanh.
- Rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện rõ nhất là chán ăn, từ giai đoạn 3 trở đi thì có buồn nôn, tiêu chảy, đôi khi là xuất huyết tiêu hóa.
- Ngứa: Là dấu hiệu thường gặp nhất trên da gặp trong suy thận mạn giai đoạn 4 có cường tuyến cận giáp thứ phát với lắng đọng Canxi dưới da.
- Chuột rút: Thường xuất hiện ban đêm, nguyên nhân là do giảm Natri, Calci máu đột ngột.
- Suy tim: Khi có suy tim xuất hiện thì đồng nghĩa với việc suy thận đã bước sang giai đoạn muộn. Do tình trạng giữ muối, tăng huyết áp và do thiếu máu dài ngày dẫn đến suy tim.
- Hôn mê: Tình trạng hôn mê do tăng urê máu là triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn cuối của bệnh suy thận mạn. Lúc này, biểu hiện co giật, rối loạn tâm thần có thể xuất hiện ở giai đoạn tiền hôn mê.
Suy thận mạn có nguy hiểm không? Biến chứng suy thận mạn
Suy thận mạn khiến chức năng thận giảm dần, không hồi phục và ngày càng nặng. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu thì khả năng hồi phục lên đến 80 – 90% bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Nhưng khi các triệu chứng kể trên bắt đầu rõ rệt hơn, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Lúc này, bệnh nhân cần được điều trị thay thế chức năng thận bằng phương pháp chạy thận nhân tạo hay ghép thận để duy trì cuộc sống.
Nếu không được điều trị tốt, bệnh nhân suy thận độ 4 và 5 sẽ đứng trước nguy cơ tử vong.
Các biến chứng suy thận mạn dẫn giai đoạn cuối có thể kể đến là:
- Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng trong cơ thể, đặc biệt ở da.
- Đau nhức cơ xương khớp, xốp xương, lão hoá xương.
- Thay đổi nồng độ đường huyết bất thường, xuất hiện các đợt cao huyết áp mạn tính.
- Suy gan, suy dinh dưỡng, xuất huyết dạ dày và ruột.
- Chứng cường tuyến cận giáp.
- Co giật.
- Rối loạn thần kinh, suy giảm chức năng não bộ, mất trí nhớ.
- Các vấn đề về tim và mạch máu, đặc biệt là suy tim và tắc nghẽn động mạch.
Các phương pháp chẩn đoán
Căn cứ vào mục đích của chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
Chẩn đoán xác định
Đối với dấu hiệu của suy thận: Căn cứ vào mức tăng ure, creatinin máu; mức lọc cầu thận giảm.
Đối với tính chất mạn của suy thận: Yếu tố tiền sử (Có tiền sử bệnh thận, trước đây đã có tăng creatinin máu hay chưa). Tiêu chuẩn về hình thái: Kích thước thận giảm ( < 3 đốt sống trên phim chụp thận và chiều cao < 10cm trên siêu âm).
Chẩn đoán giai đoạn: Dựa vào hệ số thanh thải creatinin, creatinin máu.
Chẩn đoán nguyên nhân
Khi mắc suy thận mạn, việc tìm ra các nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị. Khi loại trừ được nguyên nhân thì chức năng thận mặc dù không hồi phục 100% nhưng có thể làm chậm tiến triển của bệnh.
Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt với suy thận cấp: Căn cứ vào tiền sử mắc bệnh, nguyên nhân và tiến triển của suy thận.
Phân biệt với đợt cấp của suy thận mạn: Dựa vào tiền sử mắc bệnh và tỷ lệ urê máu/nồng độ creatinin máu (μmol/l) > 100.
Chẩn đoán biến chứng
Chú ý đến các biến chứng trên tim mạch, tiêu hoá, nội tiết và thần kinh để dự phòng các biến chứng như nhiễm trùng, kiềm toan, rối loạn nước điện giải,…
Các phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào bệnh lý nền mà có một số loại bệnh suy thận có thể điều trị được. Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân lành hẳn cũng không phải là một con số lớn.
Phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là bảo tồn, vừa giúp kiểm soát các triệu chứng, vừa dự phòng biến chứng và làm chậm tiến triển thành các giai đoạn nặng.
Thuốc Tây y điều trị suy thận mạn
Các nhóm thuốc điều trị thường được chỉ định là:
Thuốc điều trị tăng huyết áp được chỉ định phổ biến nhất. Bởi chứng suy thận mạn thường đi kèm với các đợt tăng huyết áp rất khó kiểm soát. Các nhóm thuốc điều trị hay được kê toa là nhóm ức chế men chuyển Angiotensin hoặc ức chế thụ thể Angiotensin II Receptor để bảo vệ chức năng thận.
Nếu tình trạng vẫn chuyển biến xấu, các bác sĩ sẽ phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm khác như: nhóm ức chế giao cảm trung ương, nhóm ức chế Calci,…
Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng kết hợp với thuốc lợi tiểu, chống phù và ăn chế độ ăn hạn chế natri, kali.
- Thuốc hạ Cholesterol máu.
- Thuốc điều trị thiếu máu: Epoetin alfa, beta hặc Erythropoietin.
- Thuốc bảo vệ xương: Bổ sung thêm các thuốc tăng cường Canxi và vitamin D thuốc gắn kết Phosphat để giảm nồng độ phosphat máu, bảo vệ mạch máu khỏi tình trạng bị vôi hóa.
- Chế độ ăn giảm muối, giảm Protein: Mục đích là để hạn chế việc tăng các chất cặn bã như ure, creatinin trong máu, gây áp lực trực tiếp cho thận.
Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, một số phương pháp thay thế chức năng thận thường được áp dụng là:
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo được chỉ định khi khả năng hoạt động của thận chỉ còn khoảng 5 – 10% so với bình thường. Bệnh nhân suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo suốt đời, nếu không được phẫu thuật ghép thận.
Kỹ thuật này thường được áp dụng ba lần mỗi tuần, tối thiểu 4 giờ/lần, thường tại một trung tâm lọc máu ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.
Nguyên tắc của chạy thận nhân tạo đưa máu từ cơ thể qua một hệ thống lọc đặc biệt gọi là thận nhân tạo – dialyser. Từ đây, dung dịch rửa máu (dialysate) được cho lưu hành xung quanh dialyser để lấy ra các chất cặn bã. Máu sau khi được lọc sạch chứa hồng cầu, tiểu cầu, chất dinh dưỡng được đưa trở lại cơ thể.
Chạy thận nhân tạo không làm tổn thương bệnh nhân, nhưng tác dụng phụ thường gặp là chuột rút ở bụng và buồn nôn – đặc biệt là nếu chạy thận nhân tạo thông thường (lọc máu ba lần một tuần) chứ không phải là chạy thận nhân tạo hàng ngày.
Thẩm phân phúc mạc
Thẩm phân phúc mạc hay còn gọi là lọc màng bụng, là phương pháp sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Đây là phương pháp giúp lọc các chất chuyển hóa, nước điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh, đảm bảo cân bằng nội môi.
Các chuyên gia sẽ tiến hành đặt vào trong khoang bụng của bệnh nhân một ống nhỏ gọi là catheter để hấp thu chất cặn bã và nước dư. Sau một thời gian ngắn, dung dịch này sẽ được xả ra khỏi cơ thể mang theo chất cặn bã.
Thẩm phân phúc mạc khác với chạy thận nhân tạo, lọc máu thường được sử dụng. Với phương pháp này, bệnh nhân có thể điều trị ngay tại nhà, sử dụng thuốc ít hơn và ít phải hạn chế trong ăn uống hơn so với chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên không phải bệnh nhân suy thận nào cũng có thể áp dụng được và chi phí để thực hiện cũng cao hơn nhiều lần chạy thận nhân tạo.
Ghép thận
Ghép thận được chỉ định cho những bệnh nhân suy thận mạn độ 3b – 4 có nguyện vọng được phẫu thuật.
Yêu cầu với những bệnh nhân này là phải có huyết áp và đường huyết ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường và độ tuổi tốt nhất là dưới 60.
Những trường hợp ung thư, đang bị nhiễm khuẩn cấp, cường giáp, rối loạn tâm thần, xơ gan hoặc viêm gan mạn hoạt động, nhiễm HIV, lao, lupus ban đỏ,… sẽ không được chỉ định ghép thận.Bệnh nhân suy thận mạn có bệnh nền là tiểu đường cần cân nhắc kỹ khi thực hiện phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, dù là thận từ người hiến có cùng huyết thống (bố mẹ, anh chị em ruột) nhưng cơ thể người nhận luôn có xu hướng “đào thải” tạng mới ra khỏi cơ thể. Hay nói cách khác là làm cho thận mới mất đi chức năng mong muốn. Vì vậy, bệnh nhân luôn phải sử dụng thuốc chống đào thải duy trì suốt đời.
Tuy vậy các chi phí để duy trì tốt chức năng của thận đã ghép cũng ngang ngửa so với điều trị bằng chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc. Nhưng nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì sẽ được chi trả phần lớn chi phí chữa trị.
Dự phòng bệnh suy thận mạn
Để dự phòng các biến chứng nguy hiểm của bệnh suy thận mạn đối với sức khỏe, ở người chưa mắc bệnh, nên tuân thủ 8 nguyên tắc vàng như sau:
- Tập thể dục hằng ngày: nên duy trì thói quen tập luyện nhẹ nhàng đều đặn như đạp xe hoặc đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày.
- Luôn luôn đặt chế độ kiểm soát cân nặng.
- Đối với chế độ ăn uống: Ăn nhạt, chỉ nên sử dụng từ 2 – 3g muối/ngày. Sử dụng thực phẩm tươi sạch, hạn chế ăn nhiều thức ăn đã chế biến sẵn. Duy trì lượng đạm ăn vào vừa phải, kết hợp uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá: thuốc lá có hại cho tim mạch, phổi và thận, gây tiểu đạm và là nguy cơ cao gây ung thư thận.
- Không tự ý dùng các thuốc giảm đau, chống viêm kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm không steroid và các thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu ở mức độ phù hợp.
- Theo dõi huyết áp đều đặn.
- Kiểm tra chức năng thận định kỳ và làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm thận để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh lý suy thận mạn tính. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đã giúp bạn đọc hiểu thêm về suy thận mạn bệnh học để có các biện pháp dự phòng cũng như phương hướng điều trị phù hợp nếu mắc bệnh.
Nội dung chínhSuy thận mạn là gì? Các giai đoạn của suy thận mạnNguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn tính?Triệu chứng của viêm thận mạn tínhSuy thận mạn có nguy hiểm không? Biến chứng suy thận mạnCác phương pháp chẩn đoánChẩn đoán xác địnhChẩn đoán nguyên nhânChẩn đoán phân biệtChẩn đoán biến chứngCác […]
Xem chi tiếtNội dung chínhSuy thận mạn là gì? Các giai đoạn của suy thận mạnNguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn tính?Triệu chứng của viêm thận mạn tínhSuy thận mạn có nguy hiểm không? Biến chứng suy thận mạnCác phương pháp chẩn đoánChẩn đoán xác địnhChẩn đoán nguyên nhânChẩn đoán phân biệtChẩn đoán biến chứngCác […]
Xem chi tiếtNội dung chínhSuy thận mạn là gì? Các giai đoạn của suy thận mạnNguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn tính?Triệu chứng của viêm thận mạn tínhSuy thận mạn có nguy hiểm không? Biến chứng suy thận mạnCác phương pháp chẩn đoánChẩn đoán xác địnhChẩn đoán nguyên nhânChẩn đoán phân biệtChẩn đoán biến chứngCác […]
Xem chi tiếtNội dung chínhSuy thận mạn là gì? Các giai đoạn của suy thận mạnNguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn tính?Triệu chứng của viêm thận mạn tínhSuy thận mạn có nguy hiểm không? Biến chứng suy thận mạnCác phương pháp chẩn đoánChẩn đoán xác địnhChẩn đoán nguyên nhânChẩn đoán phân biệtChẩn đoán biến chứngCác […]
Xem chi tiết