Viêm Phế Quản Phổi Ở Trẻ Em: Triệu Chứng Cha Mẹ Cần Cảnh Giác
Viêm phế quản phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng cấp tính, lan tỏa cả phế quản và phế nang. Bệnh tiến triển nhanh, dễ chuyển thành bội nhiễm và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Viêm phế quản phổi ở trẻ em là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm phế quản phổi ở trẻ em là một tình trạng nhiễm trùng gây viêm phế quản và phế nang. Khi phế quản bị viêm, lớp niêm mạc ống phế quản phù nề, bít tắc, khiến việc thông khí gặp khó khăn, dẫn đến phế nang chứa nhiều dịch. Lượng dịch này khiến oxy khí đi vào máu, làm suy yếu chức năng hô hấp bình thường của phổi và tạo ra hàng loạt các vấn đề hô hấp khác như đau tức ngực, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở nhanh…
Nguyên nhân khởi phát gây bệnh được xác định là virus (khoảng 80%) và vi khuẩn (khoảng gần 20%). Các triệu chứng bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thể trạng mỗi bé.
Tại Việt Nam, viêm phế quản phổi rất phổ biến. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng là đối tượng dễ mắc viêm phế quản phổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm phế quản phổi có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ như:
- Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn từ phổi có thể đi vào máu và gây nhiễm trùng đa tạng, đe dọa đến tính mạng trẻ
- Áp xe phổi: Là hiện tượng viêm nhiễm lan tỏa rộng, tạo thành các túi chứa mủ bên trong phổi.
- Suy hô hấp: Trẻ nhỏ dễ gặp biến chứng suy hô hấp, trụy tuần hoàn do không đủ oxy cung cấp cho tim và các cơ quan khác.
Viêm phế quản phổi là bệnh lý khá phổ biến nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh tiến triển rất nhanh nên nếu không được khám chữa kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phế quản phổi
Thông thường bệnh viêm phế quản phổi thường bắt đầu từ các nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh, chảy nước mũi, sổ mũi) sau đó di chuyển dần đến phế quản và phế nang. Những triệu chứng bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ có thể nặng nhẹ khác nhau theo từng thể trạng vào độ tuổi. Tuy nhiên, mẹ có thể nhận biết bệnh theo 2 giai đoạn tiến triển sau:
Giai đoạn khởi phát
Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh cúm, cảm lạnh thông thường. Bao gồm:
- Sốt tăng dần hoặc sốt cao đột ngột
- Dấu hiệu viêm long đường hô hấp: ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, có thể hắt hơi.
- Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy
- Mệt mỏi, quấy khóc, bỏ bú
Các triệu chứng ở giai đoạn này thường diễn tiến trong khoảng 2 – 3 ngày sau đó chuyển sang giai đoạn khởi phát.
Giai đoạn toàn phát
Các triệu chứng ở giai đoạn này thường rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Bao gồm:
- Dấu hiệu nhiễm khuẩn: Sốt cao, hoặc sốt rất cao, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, môi khô, lưỡi bẩn, li bì
- Ho khan hoặc ho có nhiều đờm, chảy nước mũi đặc, vàng, xanh hoặc có màu gỉ sắt
- Nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, đầu gật gù theo nhịp thở. Trẻ sơ sinh có thể có dấu hiệu sùi bọt cua
- Da tím tái, tím môi và đầu chi
- Có các cơn ngừng thở, co giật trong trường hợp bệnh nặng
- Rối loạn tiêu hóa: Nôn trớ, chướng bụng
Đối với trẻ sơ sinh, trẻ sinh non hoặc trẻ đang bú mẹ, các dấu hiệu lâm sàng rất sơ sài nhưng bệnh thường rất nặng. Do vậy, ngay khi trẻ có các dấu hiệu chướng bụng, da xanh tím, giảm trương lực cơ, mệt mỏi, li bì, sùi bọt mép… cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ em có thể là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Hầu hết các trường hợp bệnh khởi phát là do nhiễm virus.
Các loại virus gây bệnh bao gồm: Adenovirus, rhinovirus, virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus parainfluenza (virus này có thể gây bệnh viêm thanh quản)….
Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp theo lứa tuổi:
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi: Nhóm B của Streptococcus (tụ cầu), E.Coli, Staphylococcus Pneumoniae (Phế cầu), Klebsiella, Pseudomonas Aeruginosa…
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Haemophilus Influenzae type B, Streptococcus Pneumoniae…
- Trẻ trên 3 tuổi: Pseudomonas Aeruginosa (phế cầu), Staphylococcus Aureus (tụ cầu vàng), Mycoplasma Pneumoniae (chủng vi khuẩn gây viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi)
Một số yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh:
- Trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh
- Trẻ có cơ địa miễn dịch yếu: trẻ đẻ non, đẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc có mắc các bệnh bẩm sinh.
- Khí hậu lạnh, dễ thay đổi đột ngột, độ ẩm cao
- Môi trường sống ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất
- Tiếp xúc gần với người mang bệnh
Chẩn đoán viêm phế quản phổi ở trẻ
Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em dựa vào 2 yếu tố:
1/ Dấu hiệu lâm sàng
Bao gồm:
- Sốt
- Ho có đờm (màu vàng, xanh hoặc nâu đậm như màu rỉ sắt)
- Nhịp thở nhanh (so với lứa tuổi)
- Cánh mũi phập phồng, có dấu hiệu rút lõm lồng ngực
- Da xanh, tím tái, tím đầu chi, lưỡi và môi
- Li mì, mệt mỏi, quấy khóc
- Dấu hiệu sùi bọt cua ở trẻ sơ sinh
- Nghe phổi: ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường
2/ Xét nghiệm cận lâm sàng
Trong một số trường hợp, để xác định chính xác tình trạng bệnh, mức độ viêm nhiễm và nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, đặc biệt là số lượng bạch cầu đa nhân tăng trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn, tốc độ máu lắng tăng
- X quang phổi: có những đám mờ tập trung ở nhu mô phổi. Nếu nguyên nhân do tụ cầu, phế trường có hình bóng hơi.
- Khí máu động mạch: Nhiễm kiềm hoặc toan hô hấp.
- Nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ: Trong trường hợp nhiễm khuẩn
- Xét nghiệm PCR: Trong trường hợp nhiễm virus
Các phương pháp điều trị viêm phế quản phổi
Điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nặng và độ tuổi, cân nặng của trẻ.
Thông thường với những trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng, cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Những trường hợp nặng hơn, trẻ cần được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện để tránh biến chứng. Một số phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:
Điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em theo Tây y
Phác đồ điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em trong tây y chủ yếu là sử dụng thuốc có tác dụng ngắn ngừa triệu chứng và giải quyết nguyên nhân bệnh. Tùy vào từng tình trạng viêm nhiễm, các triệu chứng của bệnh và cơ địa của trẻ bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Cụ thể là:
Điều trị triệu chứng
Dựa vào các biểu hiện và mức độ của các triệu chứng, cha mẹ có thể sử dụng các thuốc điều trị phù. Cụ thể:
- Thuốc hạ sốt: Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15mg/kg, cứ 6 giờ cho trẻ uống 1 lần. Đến khi nhiệt độ hạ xuống dưới 38 độ C thì ngừng thuốc. Không dùng Paracetamol quá 100mg/kg/24 giờ.
- Thuốc giãn phế quản: Có thể dùng Salbutamol dạng phun hít hoặc khí dung tùy mức độ nặng
- Thuốc ho: Không khuyến cáo sử dụng thuốc giảm ho và thuốc long đờm cho trẻ nhỏ
- Hỗ trợ điều chỉnh thở: Thở Oxy, vỗ rung, dẫn lưu nếu cần dưới sự giám sát của nhân viên y tế
Điều trị nguyên nhân
Trong điều trị nguyên nhân bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm, xác định nguyên nhân để đưa ra phác đồ phù hợp với các biện pháp như:
1/ Viêm phế quản phổi do virus: Không cần dùng thuốc kháng sinh. Chỉ dùng thuốc kháng virus trong trường hợp nặng theo chỉ định của bác sĩ.
2/ Viêm phế quản phổi do vi khuẩn: Lựa chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ, tiền sử dùng thuốc, mức độ kháng thuốc tại địa phương và kinh nghiệm điều trị. Cụ thể:
- Ampicillin với liều 50mg – 100mg/kg/24 giờ, tiêm tĩnh mạch chậm, 2 lần trong ngày. Có thể kết hợp với Amikacin (liều 15 mg/kg/24 giờ, tiêm bắp, chia 2 lần). Hoặc Augmentin với liều dùng 100mg/kg/24 giờ ; tiêm tĩnh mạch chậm, chia 2 lần. Có thể kết hợp với Amikacin với liều 15mg/kg.
- Sử dụng Cloxacin (liều 100mg – 200mg/kg/24 giờ) hoặc Vancomycin (với liều 30 – 50g/kg/24 giờ) trong trường hợp nhiễm khuẩn tụ cầu
- Sử dụng Chloramphenicol với liều 30 – 50mg/kg/24 giờ, nếu nhiễm Hib.
Chữa viêm phế quản phổi cho trẻ bằng thuốc Đông y
Đông y sử dụng các dược liệu tự nhiên, chữa bệnh theo nguyên tắc loại trừ căn nguyên, kết hợp cải thiện triệu chứng nên khá an toàn với trẻ nhỏ.
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây viêm phế quản phổi là do hệ miễn dịch suy yếu, tạng phủ (phế, thận, tỳ) suy nhược, không thực hiện tốt các chức năng. Từ đó, làm mất cân bằng âm dương, suy chính khí, hao tổn tân dịch, tạo điều kiện cho ngoại tà (phong hàn, nhiệt độc, tà dâm) tấn công và gây bệnh.
Với trẻ nhỏ, các bài thuốc Đông y sẽ tập trung loại bỏ ngoại tà, nuôi dưỡng chính khí và bồi bổ tạng phủ, tăng cường miễn dịch. Khi các nguyên nhân được loại bỏ, triệu chứng bệnh sẽ tự hết. Đồng thời, thuốc còn giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tăng cường chức năng hoạt động của hệ miễn dịch, tiêu hóa. Nhờ vậy, sử dụng thuốc Đông y chữa bệnh không chỉ làm hạn chế sự dung nạp thuốc tây, giảm các tác dụng phụ mà còn giúp trẻ tăng sức khỏe tổng thể, ngừa bệnh tái phát.
Thuốc Đông y sử dụng dược liệu nên cần thời gian dài sử dụng mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, có đầy đủ cơ sở vật chất và chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Chăm sóc trẻ viêm phế quản phổi như thế nào?
Trẻ bị viêm phế quản phổi cần được chăm sóc và phòng ngừa tích cực ngay từ giai đoạn khởi phát vì bệnh tiến triển rất nhanh. Một khi chuyển sang giai đoạn toàn phát, bệnh rất dễ chuyển nặng và gây biến chứng, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Các phương pháp chăm sóc cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có thể nên dùng dạng siro.
- Đặt trẻ nằm cao đầu để dễ thở hơn
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi cần được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện.
- Khuyến khích trẻ đủ uống nước theo thể trạng, đặc biệt là nước ấm, nước hoa quả. Nếu có dấu hiệu mất nước mẹ nên cho trẻ uống oresol.
- Làm thông thoáng đường thở bằng cách hút mũi, hút đờm dãi đúng hướng dẫn.
- Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mũi, súc họng cho trẻ
- Cho trẻ bú mẹ đầy đủ, chia nhỏ các cữ bú để tránh nôn trớ. Nếu trẻ không tự bú thì nên vắt sữa ra bình hoặc cho trẻ ăn ngoài nếu mẹ không đủ sữa.
- Không nên chườm nóng hoặc chườm lạnh quá nhiều, tránh làm tăng nhu cầu oxy.
- Sử dụng 1 số nguyên liệu tự nhiên để cải thiện các triệu chứng ho, đau rát họng như: mật ong hấp lá hẹ, quất hấp mật ong… Lưu ý, với trẻ dưới 1 tuổi có thể thay thế mật ong bằng đường phèn để tránh ngộ độc Botulinum trong mật ong.
- Duy trì chế độ ăn thường ngày, đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá đà.
- Chế biến thức ăn dạng lỏng, thanh đạm, ít dầu mỡ
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, sạch sẽ, không khói thuốc lá
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm
- Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh đường hô hấp cấp tính và mãn tính.
Viêm phế quản phổi ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Cha mẹ không nên chủ quan trong phòng ngừa và điều trị tránh biến chứng. Điều quan trọng phụ huynh cần làm là luôn theo dõi sức khỏe của trẻ, nắm bắt tình hình và có đủ kỹ năng đối phó khi cần thiết. Trong quá trình điều trị, nếu gặp các dấu hiệu bất thường, mẹ nên liên hệ chuyên gia hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
“Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không?” là nỗi lo luôn thường trực của người bệnh mắc viêm phế quản lâu ngày. Trước hết, cần khẳng định, đây là bệnh lý hô hấp phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Tìm hiểu thêm về những biến chứng đó và […]
Xem chi tiếtViêm phế quản có nguy hiểm không và có lây không? Ắt hẳn đây là câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm. Bởi nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm phế quản là do virus, vi khuẩn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp vấn đề này, đồng thời biết cách […]
Xem chi tiết