Phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản CHUẨN 2020
Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp và mãn tính bao gồm thuốc sử dụng và các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc đi kèm để cải thiện triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Bài viết dưới đây sẽ đề cập chi tiết đến các phác đồ điều trị từng thể bệnh viêm phế quản đang được sử dụng trong hầu hết các bệnh viện.
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc ống phế quản, gây ra bởi virus, vi khuẩn và các tác nhân môi trường khác. Bệnh được chia thành 2 loại: viêm phế quản cấp và viêm phế quản mãn tính. Dấu hiệu lâm sàng và phác đồ điều trị 2 thể bệnh này hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
Chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính niêm mạc phế quản ở người không có tổn thương trước đó (phân biệt với viêm phế quản bội nhiễm). Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc cả hai.
Chẩn đoán viêm phế quản cấp
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều được chẩn đoán xác định nhờ thăm khám lâm sàng và xét nghiệm kèm theo:
Lâm sàng:
- Bệnh khởi phát bằng dấu hiệu viêm đường hô hấp trên: sốt nhẹ, viêm mũi họng, hắt hơi, sổ mũi…
- Ho: Bắt đầu từ ho khan, có khi ho ông ổng, từng cơn, dai dẳng, khàn tiếng
- Đờm: Có thể màu trắng trong hoặc vàng, xanh, đục như mủ
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể không sốt
- Khám phổi: Ran ngáy, ran rít hoặc bình thường.
Cận lâm sàng (xét nghiệm):
- X quang phổi: Thấy thành phế quản dày
- Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng tăng trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn
- Nuôi cấy tế bào, PCR hoặc nuôi cấy vi khuẩn để chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp
Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp bao gồm: điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị có thể từ 3 – 10 ngày, đôi khi là vài tuần. Các triệu chứng ho khan có thể kéo dài nhiều tuần sau đó.
Điều trị viêm phế quản cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp là do virus, không cần điều trị bằng kháng sinh. Người lớn bị viêm phế quản cấp đơn thuần có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp:
Điều trị nguyên nhân:
– Sử dụng thuốc kháng virus nếu cần. Thường dùng thuốc kháng virus cúm A.
– Không dùng kháng sinh cho các trường hợp viêm phế quản đơn thuần ở người trưởng thành bình thường.
– Chỉ dùng kháng sinh khi:
- Ho kéo dài trên 7 ngày
- Khạc đờm mủ rõ ràng
- Bệnh nhân có bệnh mãn tính nặng kèm theo như suy tim, ung thư
– Chọn kháng sinh tùy thuộc vào kết quả nuôi cấy vi khuẩn, tình hình kháng thuốc tại địa phương và kinh nghiệm điều trị của bác sĩ. Có thể sử dụng như sau:
- Ampicillin, Amoxicillin: dùng liều 3g/24 giờ
- Hoặc Amoxicillin – acid clavulanic; Ampicillin – sulbactam: dùng liều 3g/24 giờ,
- Hoặc Cephalosporin thế hệ 1: Cephalexin 2-3 g/24 giờ
- Hoặc Cefuroxim 1,5 g/24 giờ
- Hoặc Macrolid: Erythromycin liều 1,5g ngày x 7 ngày hoặc Azithromycin 500 mg x 1 lần/ngày x 3 ngày (Lưu ý: Không dùng thuốc kháng sinh nhóm này cùng với thuốc giãn phế quản nhóm xanthin, thuốc nhóm IMAO).
Điều trị triệu chứng:
– Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bỏ thuốc lá
– Ho khan:
- Terpin codein 15- 30 mg/24 giờ. .
- Hoặc Dextromethorphan 10-20 mg/24 giờ
- Hoặc Corticoid uống (prednisolon 0,5mg/kg/24h) x 5-7 ngày
- Không khuyến cáo dùng thuốc ho chứa Codein cho trẻ dưới 18 tuổi
- Có thể sử dụng cho người lớn trong các trường hợp ho nhiều gây mất ngủ, mệt mỏi.
– Ho có đờm: Acetylcystein 200 mg x 3 gói/24 giờ.
– Co thắt phế quản: Dùng thuốc giãn phế quản cường beta 2
- Phun xịt Salbutamol
- Hoặc khí dung Salbutamol 5mg x 2- 4 nang/24 giờ
- Hoặc uống salbutamol 4 mg x 2-4 viên/24 giờ.
– Trường hợp viêm phế quản cấp ở trẻ em, bệnh nhân cơ địa suy hô hấp mãn tính, cơn co thắt phế quản nặng cần: thở oxy, bổ sung điều chỉnh điện giải, tiêm kháng sinh, dùng corticoid phòng tiến triển nặng.
– Đảm bảo đủ dinh dưỡng
Chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm nhiễm lặp đi lặp lại nhiều lần ở niêm mạc ống phế quản. Lượng chất nhầy sinh ra khiến đường thở trở nên hẹp hơn, gây khó thở. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh. Ngoài ra tiền sử gia đình mắc bệnh phổi hay tiếp xúc với khói độc cũng là những nguyên nhân chính gây nên bệnh.
Chẩn đoán xác định viêm phế quản mãn tính
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng dưới đây:
Lâm sàng:
Các triệu chứng dưới đây thường diễn tiến và lặp lại trong thời gian tương đối dài, ít nhất là 90 ngày/ năm và kéo dài trên 2 năm.
- Ho thường xuyên, dữ dội, khàn giọng, đau tức ngực khi ho
- Khạc đờm: Đờm nhớt, đờm đặc màu trắng đục, vàng nâu hoặc xanh
- Mệt mỏi, chán ăn, đau họng, khó nuốt, mất ngủ
- Sốt nhẹ hoặc không sốt
- Khó thở dai dẳng, nặng hơn khi ho
- Nhợt nhạt móng tay, môi hoặc da do thiếu oxy
- Chân sưng
- Nghe phổi: Âm phế bào giảm, khò khè phế quản
Cận lâm sàng:
- Đo chức năng hô hấp SpO2, khí máu động mạch
- Công thức máu: Tăng bạch cầu, thiếu máu trong các trường hợp có nhiễm khuẩn
- Nội soi phế quản và X quang tim phổi: Không có giá trị chẩn đoán xác định, chỉ có giá trị trong chẩn đoán phân biệt
Phác đồ điều trị viêm phế quản mãn tính
Điều trị viêm phế quản mãn tính chủ yếu là phòng ngừa và thay đổi lối sống để cải thiện triệu chứng, giảm tần xuất tái phát, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn mỗi ngày. Hiện vẫn chưa có phương pháp chữa dứt điểm viêm phế quản mãn tính.
Phác đồ điều trị viêm phế quản mãn tính có thể bao gồm một số phương pháp điều trị tương tự viêm phế quản cấp tính. Một số biện pháp điều trị:
- Bỏ thuốc lá
- Thuốc giãn phế quản: Theophyllin hoặc các thuốc giãn phế quản chẹn beta 2 tương tự như điều trị viêm phế quản cấp.
- Corticosteroid dạng hít: Giảm viêm, cải thiện hô hấp, sử dụng trong 7 – 10 ngày.
- Liệu pháp oxy: Cải thiện khó thở
- Phục hồi chức năng phổi: Là các biện pháp thể dục, vật lý trị liệu, tư vấn dinh dưỡng và chiến lược thở – ho giúp phục hồi khả năng hô hấp, giảm tình trạng khó thở. Bao gồm: ho có kiểm soát, thở ra mạnh, thở chúm môi, thở bằng bụng.
Chăm sóc và phòng bệnh viêm phế quản
Bên cạnh các phương pháp dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp điều chỉnh chế độ sinh hoạt để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát. Bao gồm:
- Hít thở không khí ẩm từ máy tạo độ ẩm hoặc xông hơi
- Đeo khẩu trạng khi ra ngoài, đặc biệt là khi đến các khu vực ô nhiễm, có nhiều khói bụi, hóa chất độc hại
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giúp thư giãn các cơ hoành và nâng cao sức đề kháng
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng
Trên đây là thông tin về các phác đồ điều trị viêm phế quản cấp và mãn tính. Để được điều trị bệnh hiệu quả, nhanh khỏi, người bệnh nên tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ phù hợp nhất.
THÔNG TIN HƯU ÍCH:
Nội dung chínhChẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấpChẩn đoán viêm phế quản cấpPhác đồ điều trị viêm phế quản cấpChẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản mãn tínhChẩn đoán xác định viêm phế quản mãn tínhPhác đồ điều trị viêm phế quản mãn tínhChăm sóc và phòng […]
Xem chi tiếtNội dung chínhChẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấpChẩn đoán viêm phế quản cấpPhác đồ điều trị viêm phế quản cấpChẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản mãn tínhChẩn đoán xác định viêm phế quản mãn tínhPhác đồ điều trị viêm phế quản mãn tínhChăm sóc và phòng […]
Xem chi tiết