Viêm Phế Quản Dạng Hen: Triệu Chứng Nguy Hiểm Cần Điều Trị Ngay
Viêm phế quản dạng hen là một tình trạng nặng, phức tạp của bệnh lý viêm phế quản, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra những biến chứng khó lường nếu không được điều trị tích cực đúng cách. Do vậy, việc phát hiện sớm các triệu chứng và biết cách xử lý, điều trị bệnh là vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những thông tin chi tiết và cụ thể nhất về bệnh.
Viêm phế quản dạng hen là gì?
Viêm phế quản dạng hen là một thuật ngữ chỉ tình trạng viêm phế quản cấp ở những người bị hen suyễn. Nói cách khác, bệnh xảy ra khi viêm phế quản và hen phế quản xảy ra trên cùng một cơ thể người bệnh.
Viêm phế quản xảy ra do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn gây viêm làm tắc nghẽn đường thở, gây triệu chứng khó thở và ho nhiều. Những triệu chứng này thường chỉ kéo dài 2 – 3 tuần là khỏi. Hen suyễn là một tình trạng viêm đường hô hấp gây khó thở khác. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính do di truyền, dị ứng hoặc bị nhiễm trùng, có thể tái phát nhiều lần, kéo dài suốt đời.
Khi cả 2 triệu chứng này xảy ra đồng thời trên cùng 1 cơ thể bệnh nhân, các triệu chứng thường chồng chéo gây khó thở và ho nhiều kéo dài. Người bệnh có thể gặp 2 dạng viêm phế quản hen như sau:
- Viêm phế quản dạng hen co thắt: Bệnh thường xuất hiện trong thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết đột ngột. Đặc trưng bởi các triệu chứng khó thở, thở khò khè, ho nhiều và có tính chu kỳ.
- Viêm phế quản dạng suyễn: Niêm mạc phế quản bị viêm sưng, phù nề lâu ngày. Khi lên cơn suyễn, bệnh gây ra những cơn đau thắt ngực, khó thở và ho nhiều về đêm. Người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, toát mồ hôi.
Triệu chứng viêm phế quản dạng hen điển hình
Các dấu hiệu viêm phế quản dạng hen ở mỗi người bệnh thường khác nhau Tùy thuộc vào cơ địa và độ tuổi, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết các dấu hiệu viêm phế quản dạng hen như sau:
Viêm phế quản dạng hen ở người lớn
Ở người lớn khi bị viêm phế quản dạng hẹn sẽ có một số triệu chứng điển hình như:
- Ho khan nhiều, nặng tiếng, ho thành từng cơn
- Sốt nhẹ
- Khó thở, đau tức ngực, khò khè
- Mệt mỏi, nhợt nhạt, buồn nôn
- Ra mồ hôi trộm lúc nửa đêm
Biểu hiện viêm phế quản dạng hen ở trẻ em
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt hơn và dễ nhầm lẫn với các chứng viêm đường hô hấp khác. Do đó, cha mẹ cần chú ý quan sát và sớm phát hiện những triệu chứng bất thường của bé.
Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản dạng hen ở trẻ:
- Ho theo cơn, đôi khi giống ho gà, nặng hơn vào ban đêm
- Thở rít, khò khè, ngạt mũi
- Thở nhanh, thở gấp, thậm chí có dấu hiệu hóp bụng, rút lõm lồng ngực mới thở được
- Quấy khóc, mệt mỏi, li bì, biếng ăn, bỏ bú
Khi nào cần đi viện?
Những dấu hiệu dưới đây có thể báo hiệu nguy cơ bệnh viêm phế quản thể hen trở nặng. Người bệnh cần đến gặp các bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Da xanh hoặc tím tái ở môi, lưỡi, đầu chi
- Li bì, bất tỉnh, khó đánh thức hoặc không phản ứng
- Thở nặng nhọc, thở khò khè, ngừng thở hoặc nghẹt thở
Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản dạng hen được xác định là do nhiễm trùng đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh phần lớn là do nhiễm virus, điển hình là virus hợp bào hô hấp RSV, sau đó là virus cúm, Adenovirus… Ngoài ra, các chủng vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân khiến bệnh bùng phát hoặc nặng hơn. Chúng có thể là phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn, H.influenzae type b….
Một số yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ viêm phế quản. Bao gồm:
- Ô nhiễm không khí
- Dị ứng phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, hóa chất, nấm mốc….
- Các công việc liên quan đến chăn nuôi, ngũ cốc, dệt may và khai thác than
- Tiền sử mắc các bệnh phổi trước đó
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
- Đang mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Thường xuyên áp lực, stress, bất ổn tâm lý,…
- Tác hại của một số thuốc như aspirin, thuốc chẹn beta… nếu dùng lạm dụng
Bệnh viêm phế quản dạng hen có nguy hiểm không?
Tỷ lệ chữa khỏi viêm phế quản dạng hen ở giai đoạn nhẹ khá cao nếu người bệnh điều trị tích cực. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần tùy vào thể trạng mỗi người.
Tuy nhiên, nếu bệnh bước sang giai đoạn nặng, không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, khó lường như:
- Xẹp phổi: Là biến chứng thường gặp nhất, có nguy cơ tiến triển thành bại não cao.
- Tràn khí màng phổi: Xảy ra khi các phế nang giãn rộng, dễ rách vỡ, tràn không khí. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch đập nhanh.
- Hen phế quản bội nhiễm: Biến chứng này rất nguy hiểm do vi khuẩn gây bệnh lan xuống nhu mô phổi và phế nang gây viêm nhiễm nặng.
- Tâm phế mạn: Biến chứng này dễ gặp ở lứa tuổi trung niên, tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người bệnh.
- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Độ đàn hồi của phế nang giảm dần theo thời gian khiến người bệnh phải gắng sức để thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Suy hô hấp mạn tính: là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, phụ nữ có thai khi mắc viêm phế quản dạng hen ở tuần thứ 24 – 36 của thai kỳ có thể gặp biến chứng sản giật, xuất huyết âm đạo, sinh non…
Chẩn đoán xác định biện pháp điều trị viêm phế quản thể hen
Chẩn đoán viêm phế quản dạng hen thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả một số xét nghiệm kèm theo. Một số xét nghiệm các bác sĩ có thể yêu cầu gồm:
- Đo phế dung: Một xét nghiệm đo chức năng phổi khi người bệnh hít vào và thở ra từ một ống ngậm được gắn vào một thiết bị gọi là phế dung kế.
- X quang ngực: Hình ảnh X quang có giá trị xác định vị trí và mức độ lan tỏa của tổn thương phổi.
- Lưu lượng thở ra cao điểm: Sử dụng máy đo lưu lượng thở ra cực đại để đo lực không khí người bệnh thở ra.
Để đạt được hiệu quả điều trị cao, người bệnh nên tiến hành thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhất có thể. Dựa trên kết quản xét nghiệm, kiểm tra bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cải thiện triệu chứng, tình trạng bệnh tốt nhất.
Mục tiêu điều trị viêm phế quản hen là giảm co thắt phế quản liên quan đến tình trạng hen và giảm tắc nghẽn do viêm phế quản cấp tính.
Thuốc điều trị viêm phế quản dạng hen
Bao gồm các loại thuốc điều trị hen phế quản và thuốc điều trị viêm phế quản cấp. Trong đó, thuốc trị hen phế quản bao gồm các loại thuốc cắt cơn nhanh và thuốc kiểm soát hen suyễn lâu dài để ngăn ngừa các cơn hen suyễn. Thuốc điều trị viêm phế quản thường là thuốc điều trị triệu chứng. Kháng sinh thường không được sử dụng trong điều trị viêm phế quản cấp do phần lớn nguyên nhân gây bệnh là do virus. Cụ thể là:
Thuốc điều trị viêm phế quản dạng hen gồm:
- Thuốc điều trị hen lâu dài: bao gồm các chất điều hòa miễn dịch (omalizumab); Corticoid dạng hít (budesonide, flunisolide, flnomasone propionate và triamcinolone acetonide); thuốc điều chế Leukotriene như montelukast ( Singulair )và các thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài như salmeterol…
- Thuốc giãn phế quản nhanh: bao gồm thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn (thuốc giãn phế quản), như albuterol sulfate và levalbuterol.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt không steroid: acetaminophen, ibuprofen…
- Thuốc chống viêm Steroid: dạng uống hoặc phun hít
- Thuốc kháng cholinergic
- Thuốc kháng sinh: sử dụng cho các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Thuốc giảm ho, long đờm: dạng đơn chất hoặc kết hợp, dùng trong những trường hợp ho nhiều, đờm đặc gây mệt mỏi, mất ngủ.
Chữa viêm phế quản dạng hen tại nhà bằng mẹo dân gian
Phương pháp này sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có độ an toàn cao. Những bài thuốc dân gian từ các nguyên liệu này có tác dụng cải thiện các triệu chứng ho nhiều, khó thở, viêm đường hô hấp trên.
Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
- Bài thuốc từ lá tía tô: Chuẩn bị 1 nắm lá tía tô và 5 quả đại táo rửa sạch, để ráo nước. Giã nhỏ đại táo, chắt lấy nước cốt, rồi cho vào ấm đã có sẵn lá tía tô. Hãm với 3g trà và nước đun sôi khoảng 5 phút. Uống liên tục 2 lần mỗi ngày trong khoảng 10 ngày.
- Bài thuốc từ mật ong và chanh: Pha loãng 1 thìa cà phê mật ong với 500ml nước ấm, thêm một thìa nước cốt chanh. Uống mỗi ngày 3 lần khi còn ấm.
- Bài thuốc từ mật ong và quất: Chuẩn bị 3 – 4 quả quất xanh, thái nhỏ, cho vào bát hoặc chén. Thêm mật ong ngập quất rồi hấp cách thủy trong khoảng 10 phút. Dùng cả nước lẫn bã, ngậm, nhai và nuốt từ từ.
Các bài thuốc dân gian này có độ an toàn cao nhưng hiệu quả chưa được kiểm chứng cụ thể, phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Người bệnh chỉ nên áp dụng như một biện pháp hỗ trợ trong các trường hợp bệnh nhẹ. Không dùng để thay thế các phương án điều trị chính thống đặc biệt là trong trường hợp bệnh vừa và nặng.
Điều trị viêm phế quản dạng hen bằng Đông y
Nguyên tắc điều trị của Đông y là loại bỏ căn nguyên gây bệnh kết hợp với các thiện các triệu chứng bên ngoài, đồng thời nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa tái phát.
Một số bài thuốc đông y được đánh giá cao gồm:
- Bài thuốc 1: Rẻ quạt, mai hoàng, tế tân, khoản đông hoa mỗi vị 15 gam; bán hạ, ngũ vị tử, tử uyển mỗi vị 10 gam; sinh khương 5 lát. Sắc nhỏ lửa với 1,5 lít nước lọc đến khi cô còn khoảng 2 chén nước thì tắt bếp. Mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và chiều.
- Bài thuốc 2: Bạch quả 15 quả; cam thảo, bán hạ mỗi vị 10 gam; hạnh nhân, hoàng cầm, tô tử, khoản đông hoa, tang bạch bì mỗi vị 15 gam. Sắc nhỏ lửa với khoảng 1,5 lít nước. Mỗi ngày uống 3 lần sau ăn.
Phương pháp chữa bệnh bằng Đông y có hiệu quả cao, thương đối an toàn, ít tác dụng do sử dụng thảo dược. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc trong một thời gian dài mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Chăm sóc người bị viêm phế quản thể hen
Bên cạnh các phương pháp điều trị đặc hiệu, người bệnh nên áp dụng một số biện pháp chăm sóc sau đây để cải thiện triệu chứng, thiết lập trạng thái thoải mái, dễ chịu hơn:
- Uống nhiều nước: Nước giúp làm loãng chất đờm và dịch tiết đường hô hấp, giúp chúng dễ dàng bị tống ra ngoài.
- Súc miệng bằng nước muối loãng
- Dùng viên ngậm ho thảo dược
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí hoặc xông hơi ẩm để dễ thở hơn
- Cai thuốc lá và tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc, bụi bẩn, ô nhiễm
- Vật lý trị liệu ngực (CPT) hoặc dẫn lưu tư thế để để dễ ho và khạc đờm. đặc biệt với trẻ nhỏ.
- Nghỉ ngơi nhiều
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ ngực, bàn chân khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết
- Ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, Omega 3… Tránh ăn các thực phẩm nhiều đường, muối, dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, dễ gây dị ứng.
- Vận động nhẹ nhàng, hợp lý để tăng sức đề kháng
Phòng bệnh
Phương pháp phòng bệnh viêm phế quản dạng hen tốt nhất là kiểm soát cơn hen và ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp. Các biện pháp người bệnh có thể tham khảo và áp dụng mỗi ngày gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Thực hiện vệ sinh cá nhân và thân thể sạch sẽ
- Tránh xa các dị nguyên có thể gây dị ứng hô hấp như phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc, mạt gà…
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những khu vực môi trường ô nhiễm, chứa nhiều bụi bặm, hóa chất
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, tiêm ngừa cúm hằng năm
- Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích như rượu bia, thuốc, lá, cà phê…
- Tập luyện thể thao và ăn uống đủ chất
- Điều trị triệt để các bệnh viêm đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan…
Viêm phế quản dạng hen là bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đây là một tình trạng hô hấp phức tạp, tiến triển nhanh và dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời. Do vậy, người bệnh cần phải nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động phát hiện và điều trị kịp thời ngay khi có những triệu chứng ban đầu.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Nội dung chínhViêm phế quản dạng hen là gì?Triệu chứng viêm phế quản dạng hen điển hìnhViêm phế quản dạng hen ở người lớnBiểu hiện viêm phế quản dạng hen ở trẻ emKhi nào cần đi viện?Các nguyên nhân gây bệnh thường gặpBệnh viêm phế quản dạng hen có nguy hiểm không?Chẩn đoán xác định […]
Xem chi tiếtNội dung chínhViêm phế quản dạng hen là gì?Triệu chứng viêm phế quản dạng hen điển hìnhViêm phế quản dạng hen ở người lớnBiểu hiện viêm phế quản dạng hen ở trẻ emKhi nào cần đi viện?Các nguyên nhân gây bệnh thường gặpBệnh viêm phế quản dạng hen có nguy hiểm không?Chẩn đoán xác định […]
Xem chi tiết