Ngứa nách là bệnh gì? Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Ngứa nách là một trạng thái kích thích ở da khiến người bệnh liên tục cào gãi. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do các tác động của mồ hôi và bụi bẩn hoặc là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra nguyên nhân và những bệnh lý thường gặp, các phòng tránh và điều trị hiệu quả cho tình trạng này.
Ngứa nách là bệnh gì? Những nguyên nhân gây bệnh thường gặp
Nách là khu vực có nhiều nếp gấp, nhiều mồ hôi. Cấu trúc da ở khu vực này cũng rất mỏng nên thường bị nhiễm khuẩn, gây tình trạng ngứa ngáy, thậm chí nổi nhiều mụn nước, mụn đỏ, đau rát, khó chịu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần – Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam, tình trạng ngứa da ở vùng nách có thể do vệ sinh kém hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý da liễu nghiêm trọng.
Các nguyên nhân thường gặp
Bạn có thể dễ dàng gặp phải tình trạng ngứa nách do một số nguyên nhân sau đây:
- Ngứa nách khi dùng lăn khử mùi: Tình trạng này xảy ra sau khi sử dụng các sản phẩm lăn khử mùi có chứa các chất dị ứng, chất bảo quản độc hại hoặc hương liệu. Những hoạt chất này gây kích ứng da vùng nách, tạo ra các phản ứng dị ứng, gây ngứa, thậm chí là sưng đỏ và phù nề.
- Ngứa nách sau khi cạo lông: Sau khi cạo lông, các nang lông vẫn tiếp tục phát triển, dài ra, cọ xát vào vùng da nách. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh luôn cảm thấy râm ran ngứa sau khi thực hiện cạo lông. Ngoài ra, tình trạng lông mọc ngược hoặc dị ứng hóa chất sử dụng trước khi cạo cũng có thể gây nên tình trạng kích ứng, ngứa nách.
- Ngứa nách khi mang thai: Vào thời kỳ mang thai, nồng độ Progesterone và Estrogen thay đổi khiến các sắc tố da hoạt động mạnh. Mẹ bầu thường xuất hiện các triệu chứng ngứa ngáy, thâm đen và nặng mùi ở vùng nách.
- Nách ngứa do ma sát với quần áo: Sự ma sát giữa vùng da nách với quần áo có thể gây ra tình trạng trầy xước da, ngứa ngáy. Tình trạng này thường phổ biến hơn vào mùa hè khi tuyến mồ hôi ở nách hoạt động nhiều làm vùng da ở đây trở nên mềm và dễ tổn thương hơn.
- Ngứa nách do vệ sinh kém: Nách là khu vực kín, tiết nhiều mồ hôi và dễ tích tụ vi khuẩn. Nếu không được vệ sinh hằng ngày, các nang lông ở khu vực da này dễ bị bít tắc gây ngứa ngáy. Đây cũng là điều kiện cho một số bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoạt động mạnh.
- Nách ngứa đỏ do bệnh lý: Một số bệnh lý da liễu có thể là nguyên nhân gây ngứa ở nách.
Bị ngứa nách là dấu hiệu bệnh gì?
Ngứa nách có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó các nguyên nhân do bệnh lý cần được cảnh giác hơn cả. Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây nên tình trạng ngứa vùng nách:
- Bệnh viêm nang lông: Là tình trạng viêm lông ở các nang lông tạo thành những búi nhỏ màu đỏ hoặc mụn nhọt đầu trắng xung quanh nang lông. Tình trạng viêm nhiễm nang lông này có thể biến thành vết loét, gây ngứa, khó chịu.
- Bệnh u nang có chứa mủ: Là bệnh lý hình thành khi các ống tiết mồ hôi dưới da bị tắc. Những u nang được tạo thành lâu ngày sẽ tích mủ bên trong gây ngứa và nhiễm trùng.
- Ngứa nách do nhiễm nấm Candida: Đây là chủng nấm phổ biến gây nên các bệnh da liễu thường gặp. Chúng thường dễ dàng phát triển ở những vùng da ẩm ướt. các nếp gấp da trong đó có vùng nách. Triệu chứng ban đầu có thể nhận biết ngứa nách do nhiễm nấm là sự hình thành các vòng mẩn đỏ trên da, kèm theo hiện tượng sưng đỏ, gồ ghề và ngứa râm ran.
- Bệnh vảy nến: Vảy nến là hiện tượng tăng sinh các tế bào sừng trên da gây nên các đường viền đỏ, ngứa rát, càng gãi càng ngứa. Đây là bệnh lý có yếu tố di truyền và miễn dịch, dễ tái phát thường xuyên và khó điều trị dứt điểm.
- Bệnh viêm da tiết bã ở nách: Vùng nách sản xuất quá nhiều bã nhờn do các nguyên nhân khác nhau, gây bít tắc lỗ chân lông là nguyên nhân gây ngứa nách. Biểu hiện bệnh viêm da tiết bã vùng nách gồm các triệu chứng: da xuất hiện các mảng màu đỏ, ngứa rát, không bong tróc.
- Ngứa nách do bệnh chàm: Chàm là một tổ hợp các bệnh lý viêm nhiễm ngoài da có yếu tố miễn dịch và di truyền, trong đó có tổ đỉa, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng… Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau, không chỉ ở vùng nách. Ngứa là một trong những triệu chứng điển hình của nhóm bệnh này.
- Nhiễm giun đũa: Tình trạng này có thể gây ra một số triệu chứng như nổi mẩn đỏ, da khô, bong tróc, mệt mỏi, chán ăn, sốt…
- Ngứa vùng nách do phát ban nhiệt: Tình trạng này hình thành khi nhiệt độ bên ngoài hoặc thân nhiệt tăng cao kèm theo hiện tượng tăng tiết mồ hôi dẫn tới kích ứng da.
Bị ngứa nách có nguy hiểm không? Khi nào cần đi gặp bác sĩ
Ngứa nách thường là biểu hiện của các bệnh lý viêm nhiễm ngoài da. Dù hầu hết các trường hợp ngứa nách đều không quá nguy hiểm. Tuy nhiên những cơn ngứa kéo dài, dai dẳng cũng sẽ gây ra những phiền toái không nhỏ đến sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống hằng ngày. Chưa kể, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách, ngứa nách có thể dẫn tới những bệnh lý mãn tính hoặc nhiễm trùng nguy hiểm. Do vậy, người bệnh cần tiến hành đi khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Một số dấu hiệu cần đi khám bác sĩ ngay gồm:
- Ngứa dai dẳng, kéo dài, có dấu hiệu tăng lên
- Ngứa gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày
- Vùng nách ngứa xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng: Mụn mủ, vết loét, chảy dịch, mùi hôi…
Bị ngứa nách phải làm sao?
Hầu hết các tình trạng ngứa nách đều có thể được cải thiện nếu người bệnh chăm sóc và điều trị tích cực. Phương pháp điều trị được áp dụng tùy thuộc vào căn nguyên và mức độ của từng trường hợp.
Cách giảm ngứa tại nhà bằng mẹo dân gian
Một số mẹo dân gian rẻ tiền, lành tính dưới đây có thể phù hợp với các tình trạng ngứa nhẹ và chưa có vết thương hở:
- Áp lạnh, chườm mát: Sử dụng 1 chiếc khăn vải mềm hoặc túi chườm chuyên dụng để bọc một vài viên đá lạnh. Dùng túi đá này để chườm nhẹ nhàng vào vùng da nách mỗi ngày vài lần. Mỗi lần khoảng 15 phút.
- Dùng chanh tươi: Người bệnh có thể lấy 1 nửa quả chanh tươi chà xát nhẹ nhàng lên vùng da nách bị ngứa sau khi vị trí này đã được vệ sinh sạch sẽ và lau khô. Cách làm này chỉ phù hợp với những trường hợp ngứa nhẹ và chưa có mụn nước, vết trầy xước ngoài da vì có thể gây xót.
- Sử dụng tinh dầu: Thoa đều hoặc xông hơi một số tinh dầu như dầu tràm, bạc hà, oải hương… có tính sát khuẩn có thể giúp giảm ngứa, ngừa nhiễm khuẩn hiệu quả.
- Các bài thuốc tắm hoặc ngâm rửa bằng lá thảo dược: Người bệnh có thể lấy một nắm lá trầu không, lá trà xanh, tía tô… rửa sạch, đun sôi với nước. Dùng nước này để tắm hoặc ngâm rửa vùng da cần điều trị.
- Cách đắp lá lốt: Chuẩn bị 1 nắm lá lốt, rửa sạch, ngâm nước muối. Cho lá lốt vào máy để xay nhỏ. Vệ sinh vùng nách bị ngứa rồi đắp phần lá lốt đã xây lên. Chờ khoảng 15 phút thì rửa lại bằng nước sạch và thấm khô nước.
Nách bị ngứa uống thuốc gì?
Với những trường hợp ngứa nách do bệnh lý ở mức độ trung bình và nặng, các biện pháp giảm ngứa tại nhà thường không mang lại hiệu quả cao. Lúc này người bệnh cần sử dụng thuốc hoặc các can thiệp y tế để điều trị hiệu quả.
Thuốc điều trị giảm ngứa nách được sử dụng khác nhau tùy vào từng căn nguyên bệnh lý. Chẳng hạn:
- Với tình trạng ngứa nách do viêm da: Thường được sử dụng các loại kem bôi chứa corticoid, kem bôi ức chế miễn dịch. Những tình trạng nặng hơn có thể kết hợp dùng thuốc uống: Corticoid, thuốc kháng Histamin…
- Với tình trạng nhiễm trùng nách: Thường sử dụng thuốc kháng sinh bôi ngoài, kết hợp thuốc kháng Histamin để giảm ngứa và kháng sinh đường uống cho trường hợp nặng. Lưu ý không nên sử dụng Corticoid trong các trường hợp viêm nhiễm này vì chúng gây ức chế miễn dịch, có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
- Với tình trạng ngứa nách do nhiễm nấm: Thường sử dụng các loại thuốc chống nấm dạng bôi, uống như Ketoconazole, Clotrimazole hoặc Nystatin.. Tương tự như trường hợp nhiễm trùng, người bệnh không nên sử dụng Corticoid khi điều trị ngứa nách do nấm.
Trong một số trường hợp viêm da không đáp ứng với thuốc, các bác sĩ có thể đề nghị áp dụng liệu pháp ánh sáng. Phương pháp này sử dụng chùm tia UV với bước sóng nhất định, chiếu trực tiếp lên vùng da bị ngứa. Cách làm này mặc dù cho hiệu quả nhanh nhưng không kéo dài và rất tốn kém. Người bệnh nên cân nhắc trước khi quyết định sử dụng.
Cách chăm sóc và vệ sinh vùng nách tại nhà
Ngứa nách có thể xuất phát từ việc vệ sinh kém khiến mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ. Để cải thiện những tình trạng này, việc quan trọng đầu tiên cần thực hiện là vệ sinh và chăm sóc vùng nách. Để thực hiện hiệu quả bước này, người bệnh cần chú ý:
- Luôn giữ vùng nách sạch sẽ, khô thoáng
- Hạn chế cào gãi hoặc thực hiện các ma sát, tác động mạnh vào vùng nách đang bị tổn thương, đặc biệt là khi đã xuất hiện mụn nước hoặc mẩn đỏ.
- Sử dụng nước muối sinh lý, giấm táo thêm vào nước để tắm rửa mỗi ngày
- Với các trường hợp nhiễm khuẩn, có thể dùng hồ nước, cồn i ốt để rửa và vệ sinh vùng nách
- Hạn chế sử dụng lăn khử mùi trong thời gian điều trị
Cách phòng tránh nách bị ngứa và thâm đen tại nhà
Để phòng tránh ngứa nách khởi phát hoặc tái lại, người bệnh cần chú ý một số vấn đề trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày như:
- Nên tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày. Không nên tắm bằng nước quá nóng hoặc ngâm mình trong bồn tắm quá lâu.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm lăn khử mùi, nước hoa có các thành phần hương liệu, chất bảo quản dễ gây kích ứng cho da.
- Lựa chọn các trang phục thoáng mát, vừa kích cỡ, làm bằng chất liệu cotton hoặc những chất liệu mềm, dễ thấm hút và thoáng khí.
- Khi giặt quần áo nên vò kỹ để xả hết xà phòng, không mặc lại đồ bẩn, không mặc đồ còn ẩm.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, lăn khử mùi hoặc mặc áo chung với người khác.
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C, Omega 3, uống nhiều nước
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm lên men, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường muối và chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…
Ngứa nách có thể đơn thuần do dị ứng hoặc vệ sinh kém nhưng cũng có thể khởi phát do nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác nhau. Hy vọng các thông tin trong bài viết dưới đây đã giúp người bệnh hiểu hơn về tình trạng này và biết cách phòng ngừa và xử lý hiệu quả khi gặp phải. Trong những trường hợp cần thiết, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị phù hợp.