Ngứa Môi Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Nhận Biết
Ngứa môi là tình trạng do vùng môi và viền môi bị kích thích bởi các tác nhân dị ứng gây cảm giác khô, ngứa, nóng rát khó chịu. Lý do mô thường xuyên bị ngứa là gì, có nguy hiểm không, điều trị thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Ngứa môi là bệnh gì? Những nguyên nhân thường gặp
Ngứa môi là tình trạng vùng da xung quanh môi bị kích thích bởi các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài gây nên hiện tượng ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp khác, tình trạng này có thể gây nên các tổn thương ở môi và viền môi như mụn nước, mụn mủ, đau rát, sưng đỏ, chảy dịch…
Ngứa môi không phải là một bệnh lý. Đây thường là dấu hiệu của các bệnh lý da liễu hoặc có thể là hệ quả của một dạng kích thích bên ngoài. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì ngứa môi hoặc ngứa viền môi cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và đặc biệt là thẩm mỹ của người mắc phải. Do vậy, tìm hiểu chính xác căn nguyên gây ngứa da môi và viền môi là cách hiệu quả nhất để điều trị chứng bệnh này.
Các nguyên nhân làm môi bị ngứa, sưng bao gồm:
1. Ngứa môi do bệnh Herpes
Herpes hay mụn rộp ở môi là một dạng viêm da do virus cấp tính do chủng virus Herpes simplex HSV – 1 và HSV – 2 gây ra. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của căn bệnh này là ngứa môi và nổi mụn nước. Các chùm mụn nước nhỏ xuất hiện trên môi hoặc viền quanh môi gây cảm giác đau, rát, sưng đỏ, ngứa ngáy, khó chịu. Các mụn nước có thể bị vỡ, chảy dịch, sau đó đóng vảy sau vài ngày. Hầu hết các trường hợp, các tổn thương ở da có thể tự lành trong khoảng vài ngày tới 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng bội nhiễm, gây nhiễm trùng môi.
2. Môi bị ngứa do bệnh viêm da dị ứng
Ngứa là phản ứng bình thường của môi nếu vùng da này tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng. Các dị nguyên này có thể bao gồm thực phẩm lạ, son môi, thay đổi thời tiết, phấn hoa, mạt bụi,… Khi tiếp xúc với môi, các dị nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng tại chỗ, gây nên tình trạng ngứa và nổi mẩn đỏ, khó chịu.
3. Ngứa do bệnh Zona thần kinh
Zona thần kinh, còn được gọi là herpes zoster, là một dạng kích ứng da gây ra bởi quá trình tái hoạt động của virus Varicella Zoster (VZV). Người bệnh thường gặp phải tình trạng này sau nhiều năm bị thủy đậu. Khi sức đề kháng suy giảm, lượng virus gây bệnh thủy đậu “trú ẩn” trong cơ thể sẽ hoạt động trở lại trong mô thần kinh gần tủy sống và não để gây bệnh zona.
Bên cạnh tình trạng ngứa môi và nổi mụn nước, người bệnh có thể nhận biết chứng zona thần kinh ở môi bởi một số triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau đầu, sợ ánh sáng, mệt mỏi toàn thân, đau dạ dày…
4. Ngứa môi do bệnh Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn gây ra bởi những sai lệch về đáp ứng miễn dịch dẫn tới các tổn thương toàn thân. Trong đó, tổn thương ngoài da là triệu chứng dễ nhận biết nhất. Có tới 75% số bệnh nhân nhận thấy những bất thường trên da như hồng ban dạng cánh bướm hoặc dạng đĩa.
Nếu bạn bị ngứa môi do bệnh lupus ban đỏ, những dấu hiệu sau có thể giúp bạn phân biệt với các bệnh lý khác:
- Mô, viền môi, mặt, cổ, bàn tay… xuất hiện các nốt ban đỏ, gây ngứa dữ dội. Một số trường hợp còn có dạng bọng nước, dát xuất huyết
- Niêm mạc miệng và vùng hầu họng dễ bị lở loét nhưng không đau
- Tóc vàng, dễ gãy rụng.
- Các triệu chứng tim, thận, khớp, máu, thần kinh khác.
5. Bệnh chàm môi
Chàm môi là tình trạng ngứa viền môi và trên môi kèm theo triệu chứng khô, nổi dát đỏ, mụn nước, chảy dịch và bong tróc. Đây là một dạng bệnh da liễu mãn tính, thường xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm. Bệnh khởi phát sau khi vùng da môi tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố kích thích.
Mặc dù là bệnh lành tính những chàm môi ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ và các hoạt động sinh hoạt, ăn uống, nói chuyện hằng ngày.
6. Ngứa do bệnh viêm môi cơ địa
Viêm môi (cheilitis) là trạng thái viêm da giới hạn ở trong viền hoặc lan ra ngoài viền môi. Các triệu chứng điển hình có thể nhận biết bệnh là môi sưng, đỏ, nứt, teo, đóng vảy hoặc bong tróc. Người bệnh thường có cảm giác ngứa viền môi, lòng môi kèm theo đau và nóng rát, khó chịu.
Viêm môi cơ địa có thể diễn biến cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh thường khởi phát trên những người có bệnh lý tự miễn toàn thân như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, sarcoidosis, bệnh bọng nước tự miễn, viêm da cơ địa…
7. Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, ngứa môi còn có thể khởi phát do những yếu tố tại chỗ như:
- Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời có lượng bức xạ cao, trong thời gian lâu
- Thói quen liếm môi khiến cho vùng da ở đây khô, bong tróc, ngứa ngáy
- Uống ít nước
- Thói quen thường xuyên lột tẩy da môi
- Không sử dụng son dưỡng trước khi dùng son màu
- Sử dụng mỹ phẩm, son có thành phần độc hại, gây dị ứng môi
- Điều kiện sống và làm việc thường xuyên trong môi trường lạnh, có độ ẩm thấp
Môi bị ngứa có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp ngứa môi do tác nhân bên ngoài đều không quá nguy hiểm và có thể cải thiện khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, các cơn ngứa kèm theo mẩn đỏ hoặc mụn nước sẽ gây ra những phiền toái không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và gây mất thẩm mỹ. Nếu không được điều trị đúng cách, vùng môi và viền môi bị tổn thương có thể bị nhiễm trùng, gây khó khăn cho điều trị, thậm chí dẫn tới sẹo môi, hoại tử môi.
Với những trường hợp ngứa môi do bệnh lý, người bệnh nên sớm tiến hành thăm khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và có phác đồ điều trị chuyên khoa hợp lý. Khi xuất hiện những dấu hiệu, người bệnh cần đi khám ngay:
- Ngứa viền môi và môi kéo dài hơn 3 ngày, mức độ ngứa tăng dần
- Cảm giác buồn nôn
- Mệt mỏi kèm theo dấu hiệu sốt cao, ớn lạnh
- Môi xuất hiện mụn mủ, chảy dịch vàng, hôi
Cách chăm sóc và điều trị ngứa môi hiệu quả
Với những trường hợp ngứa môi, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp chăm sóc và điều trị như sau:
Các biện pháp chăm sóc môi tại nhà
Phương pháp nền được áp dụng đầu tiên vì chúng giúp làm sạch, loại bỏ các tác nhân dị ứng và cải thiện ngứa hiệu quả.
- Dùng nước muối sinh lý để súc miệng và vệ sinh vùng môi bị ngứa. Sau đó dùng khăn bông ẩm thấm nhẹ nước trên môi. Với những trường hợp môi có son, bạn nên dùng nước tẩy trang để loại bỏ hoàn toàn son trên bề mặt môi trước khi rửa lại bằng nước muối sinh lý.
- Sử dụng son dưỡng môi hoặc Vaseline để duy trì độ ẩm cho môi. Thận trọng khi lựa chọn các loại son dưỡng có thành phần lành tính để không gây kích ứng cho môi.
- Uống đủ nước mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng khô môi và bong tróc
- Sử dụng kem chống nắng hoặc các loại son có thành phần chống tia UV trước khi ra ngoài để tránh tác động của ánh sáng mặt trời.
Cách trị ngứa môi tại nhà bằng mẹo dân gian
Với những trường hợp môi tổn thương ở mức độ nhẹ, chưa nhiễm trùng, chưa biến chứng, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo sau:
- Chườm lạnh: Lấy một vài viên đá bọc trong một lớp vải mỏng hoặc túi chườm chuyên dụng rồi áp lên vùng môi bị sưng, ngứa. Thực hiện mỗi ngày ít nhất 1 lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Lưu ý không áp trực tiếp đá lạnh lên môi, không chườm trong thời gian quá lâu.
- Dùng mật ong: Thoa đều mật ong lên vùng da bị ngứa và yên trong khoảng 15 – 20 phút để các hoạt chất trong mật ong thấm sau vào da. Sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cách làm này không chỉ giúp giảm sưng ngứa môi mà còn giúp dưỡng ẩm và phục hồi các tổn thương trên môi.
- Dùng nha đam: Chọn lấy 1 lá nha đam có kích thước vừa phải, rửa sạch, gọt bỏ vỏ. Lấy phần thịt nha đam bên trong thoa nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị trong khoảng 15 phút. Sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Bị ngứa môi bôi thuốc gì, uống thuốc gì?
Đa số các trường hợp ngứa môi kéo dài người bệnh đều tìm đến các loại thuốc tây do có hiệu quả nhanh và tiện lợi. Cần lưu ý rằng, ngứa môi có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Mỗi bệnh lý sẽ có phác đồ điều trị và dùng thuốc khác nhau.
Một số nhóm thuốc thường được dùng để cải thiện sưng, ngứa, rát đỏ môi là:
Thuốc bôi ngoài da
- Với các trường hợp ngứa môi do viêm da virus như Herpes môi hay zona thần kinh, người bệnh có thể dùng hồ nước hoặc thuốc tím bôi ngoài… kèm theo thuốc bôi chứa thuốc kháng virus như Acyclovir…
- Với trường ngứa do viêm môi cơ địa, các bác sĩ có thể chỉ định bôi thuốc chứa corticoid, thuốc bôi ức chế miễn dịch (Tacrolimus…)
- Các trường hợp viêm da dị ứng có thể dùng thuốc bôi chứa corticoid hoặc thuốc chứa thành phần kháng Histamin như Nytol, Benadryl…
- Những trường hợp viêm môi do nhiễm trùng hoặc biến chứng bội nhiễm có thể dùng mỡ kháng sinh bôi ngoài.
Thuốc uống
Thuốc uống được sử dụng tùy theo nguyên nhân và triệu chứng bên ngoài. Với những trường hợp nặng, người bệnh có thể được sử dụng thuốc bôi ngoài da kết hợp một số thuốc uống như:
- Thuốc kháng Histamin: Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin… có tác dụng giảm ngứa.
- Thuốc chống viêm corticoid: Có tác dụng chống viêm trong những trường hợp ngứa môi dữ dội, kéo dài hoặc ngứa do viêm môi.
- Thuốc kháng sinh: cotrimoxazol, spiramycin, metronidazol hay amoxicilin. Được dùng trong các trường hợp nhiễm trùng hoặc dự phòng nhiễm trùng ở môi.
- Thuốc kháng virus: Có hiệu quả trong các trường hợp viêm môi do virus. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ, do vậy, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
- Thuốc hạ sốt giảm đau: Được sử dụng nếu có triệu chứng viêm, đau nhức toàn thân và sốt cao trên 38,5 độ C.
Các loại thuốc tây có hiệu quả nhanh và tiện lợi nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng tại nhà. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa ngứa môi
Ngứa môi không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn có thể tạo ra tâm lý thiếu tự tin, e ngại do kém thẩm mỹ. Do vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa và tránh các biến chứng do ngứa môi bằng những biện pháp sau:
- Tuyệt đối không dùng tay chà xát lên và gãi lên vùng da môi bị tổn thương để tránh gây trầy xước cho da.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi ô nhiễm, đông người…
- Tạo thói quen sử dụng son dưỡng môi, kem chống nắng cho môi hoặc các loại son môi có chỉ số chống nắng thích hợp.
- Uống đủ lượng nước cần thiết cho mỗi ngày và bỏ thói quen liếm môi để tránh tình trạng khô môi, bong tróc
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh thức khuya
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, điều hòa nội tiết.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng, thực phẩm cay nóng
- Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường chứa nhiều khói thuốc
- Tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng các loại mỹ phẩm cho môi, đặc biệt là với những người có cơ địa dị ứng.
Ngứa môi là tình trạng bất thường ở môi, gây ra bởi các yếu tố kích thích bên ngoài hoặc bệnh lý bên trong cơ thể. Hy vọng những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ có thể giúp bạn nhận biết sớm và biết các xử lý và phòng ngừa tình trạng môi ngứa.