Mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
Theo thống kê có đến 30% mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa. Tuy nhiên các mẹ thường chịu đựng cảm giác này mà không biết mẩn ngứa còn tiềm ẩn một số nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, mẹ hãy cùng tìm hiểu ngay thông tin về bệnh để có cách xử lý hiệu quả, giảm ngứa khó chịu, có thai kỳ khỏe mạnh.
Nguyên nhân mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Theo nhận định của chuyên gia, bác sĩ, mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa không hiếm gặp và thường gây ra một số tổn thương da nông, sần sùi, có thể gây cảm giác ngứa rát hay khó chịu. Nguyên nhân bệnh có khả năng đến từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể của các mẹ.
Thay đổi nội tiết tố gây mẩn ngứa sau sinh
Giai đoạn mang thai, lượng estrogen trong cơ thể có thể tăng lên 500-1000 lần. Sau sinh thì lượng hormone suy giảm và tăng tiết prolactin điều hòa sữa mẹ. Các mẹ có thể dựa vào một số thay đổi như thèm ăn, dễ quên, tóc rụng nhiều, da nổi mụn… Đồng thời, một số mẹ có thể gặp tình trạng mẩn ngứa hay nổi mề đay.
Hệ miễn dịch, sức đề kháng bị suy giảm
Khi mang thai và sau sinh thì hầu hết cơ thể mẹ tăng cân và tăng diện tích da của cơ thể. Điều này cũng dẫn đến tăng diện tích tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh và làm suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng của làn da. Mẹ sau sinh do đó dễ nhạy cảm và dễ nổi mẩn ngứa hơn bình thường.
Đồng thời, lượng bạch cầu và kháng thể bên trong cơ thể mẹ phải chia sẻ cho con thông qua nhau thai hoặc sữa mẹ dẫn đến hệ miễn dịch của mẹ không ổn định làm cơ thể nhạy cảm với những loại tác nhân bên ngoài và thức ăn. Những điều này đều là nguyên nhân làm mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa cao hơn.
Căng thẳng thần kinh
Căng thẳng thần kinh là một trong số những nguyên nhân làm mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa. Căng thẳng thần kinh thường do 2 yếu tố thay đổi nội tiết và sinh hoạt hằng ngày bị thay đổi. Việc chăm sóc cho bé làm giờ giấc của mẹ xáo trộn dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, mệt mỏi, mất ngủ cũng như dễ cáu gắt.Chính sự mất cân bằng tâm lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến sức đề kháng suy giảm và tăng nguy cơ nổi mẩn ngứa.
Nổi mẩn đỏ ngứa sau sinh do vệ sinh thân thể kém
Phụ nữ sau sinh cần “ở cữ” trong một thời gian, hạn chế việc tắm gội, mặc nhiều quần áo dài, ấm, hơ than và tránh tiếp xúc nhiều với gió lạnh… Chính điều đó làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, lỗ chân lông bị bít tắc, vi khuẩn và nấm phát triển nhiều hơn. Nếu mẹ không vệ sinh da sạch sẽ dễ dẫn đến các vấn đề như nổi mẩn ngứa, mề đay, viêm da dị ứng, mụn nhọt…
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Một số loại thuốc được dùng trong quá trình sinh nở như thuốc tê, thuốc gây mê, thuốc giảm đau hay chống viêm… có khả năng dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn và thường gặp nhất là mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa khắp người.
Chế độ ăn uống không cân bằng
Sau giai đoạn bầu bí, mẹ có xu hướng tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm giàu đạm, chất béo, bột đường… nhằm tăng sữa cho con bú. Nhưng việc dung nạp lượng lớn thực phẩm nhiều đạm, béo sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tích tụ độc tố bên trong gan và dẫn đến phụ nữ sau sinh bị nổi mẩn đỏ, dị ứng.
Nguyên nhân khác
Mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa có thể do một số nguyên nhân khác như tiếp xúc với phấn hoa, lông chó, mèo, dị ứng mỹ phẩm, chà xát mạnh khi tắm, lau người…
Dấu hiệu nổi mẩn ngứa sau sinh
Một số dấu hiệu điển hình để nhận biết mẩn ngứa sau sinh gồm:
- Da nổi mẩn đỏ thành nốt hoặc mảng có hình dạng khác nhau.
- Vùng da tổn thương sần sùi, nổi cộm hơn những vùng khác.
- Vùng da có cảm giác nóng rát, châm chích khó chịu và có màu hồng hoặc đỏ.
- Tổn thương da có thể xuất hiện ở vùng cổ, lưng, ngực và lan rộng đến tay, chân, mặt.
Nổi mẩn ngứa khắp người sau sinh có nguy hiểm không?
Tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa rát thường diễn ra nhanh và có thể biến mất nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể kéo dài đến vài ngày hoặc vài tuần, sau đó chuyển sang giai đoạn mãn tính. Nổi mẩn ngứa đỏ ở mẹ sau sinh không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và thường chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, những điều này lại làm thay đổi sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc sống. Một số ít trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy hô hấp, sốc phản vệ, trụy tim và tử vong. Chính vì vậy, khi mẹ thấy có các triệu chứng như dị ứng, mẩn ngứa sau khi sinh nở kèm sưng môi, lưỡi, khó thở, co thắt phế quản… thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa trị kịp thời.
Mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa bao lâu thì khỏi?
Theo các chuyên gia thời gian khỏi bệnh sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.
- Cơ địa: Cấu trúc da bình thường có thể tự hết sau 2-3 ngày. Riêng với làn da nhạy cảm thì có thể kéo dài đến vài tuần, thậm chí có thể tái phát nhiều lần.
- Mức độ nghiêm trọng: Nổi mẩn đỏ thể nhẹ sẽ có thời gian chữa trị nhanh hơn khi mẩn đỏ đã chuyển sang thể mãn tính.
- Phương pháp điều trị: Nổi mẩn ngứa sau sinh nếu được chữa trị đúng cách kết hợp kiêng cữ, sinh hoạt khoa học có thể thuyên giảm nhanh chóng và ngược lại.
Ngoài ra, một số yếu tố ngoài như môi trường sống, thói quen sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chữa trị bệnh.
Cách xử lý khi mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa
Mẹ sau sinh bị nổi mề đay đừng nên quá căng thẳng hay lo lắng mà có thể áp dụng một số phương pháp sau đây để hạn chế tình trạng bệnh.
Loại trừ các tác nhân gây bệnh
Mẩn đỏ ngứa sau sinh có thể được cải thiện khi không tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh bên ngoài. Vì vậy, khi bị dị ứng thì mẹ nên tránh xa khỏi những tác nhân đó bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với những yếu tố như lông chó, mèo, phấn hoa, mỹ phẩm, hải sản, đậu phộng…
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại bỏ đi những nguyên nhân gây mẩn ngứa như mồ hôi, nhiệt độ.
- Hạn chế dung nạp nhiều loại thực phẩm chứa đạm hay dễ dị ứng.
- Cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con để giảm áp lực, căng thẳng, mệt mỏi.
Chữa bằng mẹo dân gian
Chị em phụ nữ sau sinh có thể dùng các loại thảo mộc thiên nhiên để giảm sưng, hạn chế mẩn ngứa mà vẫn đảm bảo an toàn, lành tính và không tác động đến việc điều tiết sữa cho con bú.Cây kinh giới: Đem kinh giới sao với muối hạt rồi để trong túi vải và chườm lên vùng da nổi mẩn. Mẹ cứ kiên trì sử dụng mỗi ngày một lần để nốt sần lặn đi, khắc phục mẩn ngứa. Ngoài ra, mẹ có thể xông cùng cây kinh giới trong thời gian ở cữ. Nha đam: Lấy phần thịt nha đam hoặc xay thật nhuyễn chà nhẹ lên vùng da nổi mẩn đỏ trong khoảng 20 phút. Mẹ cứ kiên trì trong vài ngày sẽ thấy vùng da ít nổi mẩn đỏ và không còn cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Mướp đắng: Mướp đắng cắt thành những lát nhỏ nấu cùng nước và chút muối hạt. Mẹ chỉ cần tắm hoặc dùng khăn lau cơ thể 2 lần 1 ngày để hạn chế nổi mẩn ngứa. Cách này không chỉ làm lành vết xước nhanh chóng hết mà còn có tác dụng kháng khuẩn, loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trên da. Lá khế: Đem lá khế rửa sạch và đun với một ít muối để pha thành nước tắm rửa. Giống như mướp đắng thì lá khế cũng có tác dụng giúp hạn chế tình trạng mẹ sau sinh nổi mẩn ngứa.Lưu ý: Những cách chữa nổi mẩn ngứa sau sinh trên đây chỉ có tác dụng giảm triệu chứng tạm thời mà không có giá trị lâu dài.
Thay đổi chế độ sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt hằng ngày không khoa học cũng có thể làm bùng phát vấn đề nổi mẩn ngứa, dị ứng sau khi sinh. Muốn cải thiện tình trạng thì mẹ nên chú ý đến những vấn đề sau:
- Không gãi mạnh hoặc chà xát lên da tránh gây các vết thương hở dễ gây nhiễm trùng làn da.
- Tránh mặc trang phục quá chật hoặc chất liệu quá cứng, không thấm hút mồ hôi hay cọ xát vào vùng bị nổi mẩn ngứa.
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và không dung nạp quá nhiều chất đạm, chất béo.
Sử dụng thuốc Tây y
Theo khuyến cáo của bác sĩ da liễu, mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa nên hạn chế dùng thuốc Tây. Một số trường hợp đặc biệt thì bác sĩ có thể kê đơn bao gồm những loại thuốc sau.
- Kem bôi chứa Menthol: Tác dụng làm mát và dịu da, giảm ngứa rát, ban đỏ, sần sùi làn da.
- Nhóm thuốc kháng Histamin H1: Các loại thuốc gồm Mequitazine, Cyproheptadine, Chlorpheniramine, Cetirizine… có tác dụng tiêu sưng viêm, giảm ngứa ngáy và châm chích làn da.
- Nhóm thuốc Corticoid: Được dùng trong trường hợp bệnh chuyển sang mãn tính. Đây là loại thuốc sử dụng trong khoảng thời gian ngắn bởi ẩn chứa nhiều tác dụng phụ.
Lưu ý: Mẹ không nên tự mua thuốc Tây về dùng mà cần đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
Cách phòng ngừa nổi mẩn ngứa sau sinh
Dưới đây là một số cách hạn chế mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa hiệu quả:
- Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý: Lên kế hoạch nghỉ ngơi và chăm sóc con thật phù hợp nhằm tránh mẹ bị mệt mỏi, áp lực, căng thẳng quá mức hoặc mẹ có thể chia sẻ việc chăm sóc bé với những người thân trong gia đình.
- Vệ sinh không gian sống: Dọn dẹp nơi ở, nơi ngủ thường xuyên sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ như bụi bẩn, lông động vật, nấm mốc…
- Uống đủ nước: Mỗi ngày mẹ nên duy trì thói quen uống đủ 2 lít nước giúp thải độc làn da. Ngoài nước lọc thì mẹ có thể uống các loại nước ép hoa quả khác.
- Dưỡng ẩm làn da: Một số loại kem dưỡng ẩm cho bà bầu và mẹ sau sinh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng khô rát làn da hay nổi mẩn đỏ.
- Hạn chế các loại thực phẩm dễ dị ứng: Mẹ không nên ăn các loại hải sản, sữa dê, sữa bò hay trứng và hạn chế thực phẩm, thức ăn cay nóng hoặc thực phẩm chứa phụ gia, phẩm màu.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Mẹ nên ăn lượng thức ăn vừa phải và không nên nạp quá nhiều đạm, đường trong các bữa ăn hằng ngày.
Mẹ sau sinh bị nổi mẩn ngứa không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, mẹ cần chủ động chăm sóc và tìm ra cách xử lý phù hợp khi nhận thấy dấu hiệu khởi phát của bệnh.