Á Sừng Da Đầu
Á sừng da đầu là tình trạng viêm, ngứa, bong tróc vảy trên da đầu do quá trình tạo sừng không hoàn chỉnh. Căn bệnh này ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tác động không nhỏ đến tâm lý, ngoại hình và gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng để bạn biết cách phòng và điều trị bệnh hợp lý nhất.
Bệnh á sừng da đầu là gì? Có nguy hiểm không? Có lây không?
Á sừng da đầu là thể của bệnh á sừng, một loại viêm da cơ địa phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da đầu và sau gáy, biểu hiện bởi tình trạng viêm, ngứa, bong tróc vảy và tạo sừng trên da. Căn bệnh này thường phát triển mạnh vào mùa đông và rất dễ tái phát. Bất cứ ai cũng có thể bị á sừng da đầu nếu có các yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đây là một dạng viêm da cơ địa mãn tính và không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác.
Á sừng da đầu vốn là bệnh viêm da lành tính vốn không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Bệnh khiến cho người mắc phải trở nên tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp và luôn phải tìm cách che giấu bệnh tật của mình.
Đặc biệt, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, á sừng da đầu có có thể lan xuống vùng da trán, mặt và có thể là toàn thân. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thậm chí người bệnh phải đối mặt với nguy cơ “chung sống” với bệnh suốt đời.
Triệu chứng á sừng da đầu
Các triệu chứng bệnh á sừng da đầu biểu hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, rất nhiều người bị nhầm lẫn với các bệnh vảy nến, viêm da tiết bã, thậm chí là gầu.
Một số triệu chứng á sừng da đầu bạn có thể gặp phải gồm:
- Da đầu đóng vảy trắng
Đây là biểu hiện dễ dàng nhận biết nhất. Trên da đầu xuất hiện những lớp vảy trắng, mọc xếp chồng lên nhau, trông giống như gàu. Các lớp này liên kết lại với nhau thành từng mảng. Chúng có thể bong tróc để lộ ra lớp da màu hồng , đặc biệt là trong thời tiết hanh khô. Xuất hiện nhiều lớp sừng đỏ đùn lên bề mặt da
Khi các vảy trắng bong tróc ra sẽ để lại lớp sừng màu đỏ xếp chồng lên nhau. Lớp sừng non này rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chỉ cần một tác động nhỏ, cũng khiến bề mặt da đầu bị trầy xước và viêm nhiễm.
- Khô và ngứa da đầu
Sự hình thành của các lớp sừng trên da đầu sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Dịch bã nhờn tiết ra nhiều gây ngứa ngáy, khó chịu ở bề mặt da đầu khiến người bệnh phải cào gãi thường xuyên. Càng gãi, các lớp sừng càng dễ bong tróc và bị tổn thương, người bệnh càng cảm thấy ngứa hơn. Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới nhiễm trùng da đầu.
- Rụng tóc
Đây là biểu hiện cũng là hệ quả tất yếu của bệnh á sừng da đầu. Khi bị bệnh, sự hình thành của các lớp vảy trắng và sừng đỏ khiến nang tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ. Chúng suy yếu dần gây nên tình trạng gãy rụng.
Ngoài ra, cào gãi nhiều do ngứa cũng khiến tóc gãy rụng nhiều hơn.
Phân biệt á sừng da đầu và vảy nến da đầu
Á sừng da đầu dễ bị nhầm lẫn với vảy nến da đầu – cũng là một dạng viêm da mãn tính được đặc trưng bởi dấu hiệu bong vảy trắng và đỏ da. Tuy nhiên, khi phân tích mô bệnh học, các nhà khoa học đã xác định, bệnh vảy nến xảy ra do rối loạn quá trình chu chuyển tế bào thượng bì. Trong khi đó, á sừng thường là hệ quả của quá trình sừng hóa dang dở do cơ địa hoặc dị nguyên xâm nhập và gây tổn thương.
Để phân biệt 2 bệnh này, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau:
- Á sừng gây ra các mảng bong lớn gây nứt nẻ, khô da đầu và ngứa ngáy dữ dội.
- Vảy nến không gây đau và ít khi ngứa. Các mảng bong trong bệnh vảy nến da đầu có màu trắng bạc kích thước nhỏ, mỏng, dễ cạo.
- Triệu chứng bệnh á sừng da đầu thường nghiêm trọng hơn khi thời tiết hanh khô hoặc tiếp xúc với dị nguyên.
- Triệu chứng bệnh vẩy nến thường nặng lên khi căng thẳng thần kinh hoặc có tác động cơ học.
Nguyên nhân á sừng da đầu
Hiện nay thuật ngữ á sừng không còn được dùng trong các chẩn đoán y khoa. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng da đầu khô, nứt nẻ, dày sừng nay là một biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa. Nguyên nhân á sừng da đầu cho đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, người ta nhận thấy, á sừng da đầu có thể bùng phát hoặc tiến triển nặng hơn do một số yếu tố dưới đây:
- Di truyền: Á sừng hay các bệnh viêm da mãn tính khác đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu những người thân cận huyết mắc các bệnh vảy nến, á sừng, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn…
- Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dễ nhạy cảm với các tác nhân dị ứng như thời tiết, khí hậu, lông động vật, phấn hoa hay mắc một số bệnh liên quan đến hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô… có tỷ lệ mắc á sừng da đầu cao hơn.
- Thời tiết: Á sừng có xu hướng phát triển mạnh hơn vào mùa hanh khô, lạnh, độ ẩm thấp. Do đặc điểm thời tiết này có thể khiến da mất độ ẩm tự nhiên, giảm khả năng đề kháng, tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và gây tổn thương.
- Dầu gội đầu: Sử dụng các loại dầu gội đầu không phù hợp có thể là nguyên nhân gây nên bệnh á sừng da đầu ở rất nhiều người. Nguyên nhân là do da đầu không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu để nuôi dưỡng các lớp sừng nên chúng trở nên khô và dễ bong tróc hơn.
- Hóa chất: Da đầu thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa như thuốc nhuộm, uốn, tẩy, keo xịt tóc… có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân do những hóa chất này kích thích cơ chế dị ứng của cơ thể và gây nên các hoạt động quá mẫn.
- Nguyên nhân khác: Á sừng da đầu còn có thể khởi phát do một số yếu tố như thiếu hụt chất dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường sống, tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm nấm…
Cách chữa bệnh á sừng da đầu
Mặc dù được xem là bệnh lành tính nhưng bệnh có xu hướng tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Do vậy, các biện pháp điều trị chỉ có tác dụng cải thiện tổn thương lâm sàng và ngăn ngừa bệnh lan rộng và gây nên biến chứng.
Một số biện pháp thường được áp dụng hiện nay:
Dùng thuốc hoặc dầu gội trị á sừng
Tùy theo triệu chứng, mức độ và phạm vi bị ảnh hưởng mà các bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc dưới đây:
- Thuốc bôi ngoài da: Thường dùng nhất là acid salicylic. Loại thuốc bôi này có tác dụng bong sừng, bạt vẩy do cơ chế là mềm và kích thích các mảng vảy trắng dễ bong tróc hơn. Ngoài ra, acid salicylic còn có tác dụng sát khuẩn ngoài da, ngăn chặn quá trình viêm nhiễm có thể xảy ra.
- Thuốc kháng Histamin H1: được dùng để cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu của bệnh. Thuốc còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh lan rộng xuống các bộ phận khác của cơ thể.
- Thuốc chống nấm: Griseofulvin, Clotrimazol, Miconazol, dẫn xuất Imidazol hoặc Nystatin… Được chỉ định khi nguyên nhân gây bệnh do nhiễm nấm men. Dạng hoạt chất này có thể được dùng ở dạng thuốc uống, bôi ngoài da hoặc dầu gội đầu.
- Thuốc kháng sinh: Dùng đường uống hoặc bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Corticoid: thường dùng Diprosalic, Betnoval hay Hydrocortison… dạng bôi ngoài da giúp cải thiện trạng thái viêm, ngứa ở da đầu…. Trong một số trường hợp nặng hơn, các bác sĩ có thể chỉ định thêm 5 – 10 ngày thuốc corticoid đường uống để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
- Dẫn xuất vitamin D3: Calcipotriol 0,005% hoặc các chế phẩm tương tự. Thuốc được dùng bôi ngoài da nhằm mục đích ức chế sự phát triển bất thường của các tế bào da, kiểm soát không để bệnh phát triển nặng hơn.
- Thuốc mỡ Vitamin A dạng axit: Nhóm thuốc này thường bao gồm Differin, Isotrex hay Erylik có tác dụng làm chậm quá trình sừng hóa da, kích thích tế bào da nhanh chóng lành hơn.
Sử dụng các loại thuốc bôi, thuốc uống hay dầu gội chữa bệnh sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh á sừng da đầu nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc tân dược khác, các nhóm thuốc chữa á sừng kể trên cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là kháng sinh và corticoid. bởi vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn điều trị. Không được tự ý mua, sử dụng, ngừng thuốc đột ngột hoặc kéo dài thời gian sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
Chữa bệnh á sừng da đầu bằng mẹo dân gian
Để hạn chế nguy cơ lạm dụng của thuốc tân dược, nhiều người tìm đến các bài thuốc dân gian. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng nguồn dược liệu tự nhiên dễ kiếm như trầu không, chanh, lá bạch đàn…. an toàn, lành tính và tiết kiệm chi phí.
Một số mẹo phổ biến như:
- Gội đầu bằng bồ kết: Bồ kết chứa nhiều thành phần tốt có tác dụng nuôi dưỡng và làm mềm da đầu, cải thiện tình trạng á sừng.
- Sử dụng lá trầu không: Lấy một nắm lá trầu không rửa sạch, vò nát, thêm 1 chút muối và đun sôi khoảng 10 – 15 phút. Dùng nước này để gội đầu, làm sạch vùng da bị á sừng, chống viêm, sát khuẩn.
- Dùng chanh: Lấy nước cốt chanh pha loãng với nước đun sôi để nguội theo tỉ lệ 1:1 rồi thoa hoặc chấm lên vùng da cần điều trị. Để khoảng 20 phút và rửa lại bằng nước sạch.
- Lá bạch đàn: Đun nước lá bạch đàn để gội đầu.
Ngoài những nguyên liệu trên, người bệnh còn có thể sử dụng mật ong, tỏi, lá lốt… để giảm hiện tượng á sừng da đầu bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, các biện pháp này được khuyến cáo chỉ nên sử dụng khi bệnh ở thể nhẹ, cấp tính. Hiệu quả của các phương pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa người bệnh. Trong những trường hợp bệnh đã vào giai đoạn nặng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh
Á sừng da đầu rất dễ tái phát nếu không có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa thích hợp. Một số lưu ý người bệnh không nên bỏ qua gồm:
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc nhuộm, hóa chất tạo kiểu tóc trong thời gian điều trị.
- Cẩn trọng trong việc lựa chọn các chế phẩm chăm sóc tóc. Chúng có thể làm bệnh nặng hơn. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ về các loại dầu gội, dầu xả có thể được sử dụng trong thời gian điều trị bệnh.
- Tránh xa các môi trường ô nhiễm, có nhiều hóa chất độc hại. Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường này, bạn cần có biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang, găng tay, ủng cao su, đội mũ bảo hộ…
- Hạn chế cào gãi, bóc tách lớp vảy trên da đầu khi chúng chưa bong ra.
- Cắt móng tay và giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn khi bạn cào gãi da đầu.
- Không đội nón, mũ bảo hiểm hoặc dùng khăn bịt đầu trong thời gian dài. Việc này có thể khiến da đầu đổ nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.
- Uống nhiều nước kết hợp thoa kem dưỡng da hoặc dầu oliu để hạn chế tình trạng khô, ngứa da dầu.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh xa các chất kích thích.
Bệnh á sừng da đầu là bệnh da liễu lành tính có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Mặc dù bệnh không quá nguy hiểm nhưng bạn không nên chủ quan. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh để có cách phòng tránh, nhận biết và xử lý khi bản thân hoặc người thân mắc bệnh.
Nội dung chínhBệnh á sừng da đầu là gì? Có nguy hiểm không? Có lây không?Triệu chứng á sừng da đầuPhân biệt á sừng da đầu và vảy nến da đầuNguyên nhân á sừng da đầuCách chữa bệnh á sừng da đầuDùng thuốc hoặc dầu gội trị á sừng Chữa bệnh á sừng da đầu bằng […]
Xem chi tiếtNội dung chínhBệnh á sừng da đầu là gì? Có nguy hiểm không? Có lây không?Triệu chứng á sừng da đầuPhân biệt á sừng da đầu và vảy nến da đầuNguyên nhân á sừng da đầuCách chữa bệnh á sừng da đầuDùng thuốc hoặc dầu gội trị á sừng Chữa bệnh á sừng da đầu bằng […]
Xem chi tiết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Comments are closed.