Người đau dạ dày nên “ăn TẾT” như thế nào để bệnh không tái phát?
Ăn uống, tụ tập, chúc Tết là những hoạt động không thể thiếu được trong ngày Tết. Việc này có thể làm đảo lộn chế độ ăn hằng ngày, gây áp lực lên dạ dày mỗi người. Đặc biệt, với những người bị đau dạ dày, nếu không có kế hoạch chăm sóc bao tử cẩn thận, rất dễ bị cơn đau dạ dày hành hạ vào những ngày đầu năm mới này.
Những thực phẩm nên tránh xa ngày Tết
Theo bác sĩ Lê Phương – Giám đốc chuyên môn Trung tâm thừa kế và ứng dụng Đông y Việt Nam chia sẻ, chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục hoặc tiến triển của bệnh đau dạ dày. Người bệnh cần phải biết những loại thực phẩm nào nên ăn, những món ăn nào nên tránh xa để bệnh đau dạ dày không phát tác, gây khó chịu, ảnh hưởng đến niềm vui cuối năm. Theo đó, người bệnh cần chú ý:
1/ Đồ ăn chua cay
Dưa muối, hành muối là món ăn truyền thống có mặt ở hầu hết các mâm cơm Tết. Những loại dưa hành muối vừa kích thích tiêu hóa vừa chống ngấy trong những ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ do có tính axit cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh đau dạ dày cần phải cảnh giác với loại món ăn này. Axit cao có thể làm mất cân bằng hệ tiêu hóa, kích thích gây đau và tổn thương dạ dày, đặc biệt là ở những người có tiền sử đau dạ dày.
Ngoài dưa hành muối, các loại trái cây có tính axit cao như chanh, quất, cam… và những thực phẩm ngâm giấm khác như tôm chua, thịt muối… người đau dạ dày cũng cần hạn chế sử dụng trong dịp Tết này.
2/ Đồ ăn mặn hoặc nhiều đường
Bánh kẹo, mứt Tết và những đồ ăn nhiều đường khác gây nên những vấn đề tiêu hóa, tạo khí trong dạ dày, làm đầy hơi, tiêu chảy. Các thức ăn được chế biến mặn để bảo quản lâu dài, các loại thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cũng có thể gây ra chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày. Đây cũng là những nhân làm phát triển tình trạng ung thư dạ dày.
3/ Đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo
Các mâm cỗ ngày Tết thường được chế biến nhiều dầu mỡ để trông hấp dẫn và bắt mắt hơn. Lượng dầu mỡ dư thừa này sẽ kích thích các cơn co thắt đường tiêu hóa, khiến cho dạ dày mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu, gây gánh nặng lên hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ táo bón và đau dạ dày.
4/ Đồ nếp
Xôi chè, bánh chưng, bánh tét… là những món ăn cổ truyền làm từ gạo nếp. Theo y học cổ truyền, gạo nếp có vị ngọt, tính ôn, trung ích khí, ấm tỳ vị, giải độc, có thể giảm nhanh các chứng đau dạ dày. Xôi chè, bánh chưng, bánh tét tuy cũng được làm từ gạo nếp nhưng chúng không thực sự tốt cho người đau dạ dày. Do đặc tính của đồ nếp là khó tiêu nên khi ăn, dạ dày phải tiết nhiều dịch vị hơn. Đây chính là nguyên nhân gây hiện tượng đầy bụng, ợ nóng, ợ chua và nóng rát vùng thực quản khi ăn xôi.
5/ Đồ ăn thức uống lạnh
Thông thường bệnh nhân bị đau dạ dày thì chức năng tiêu hóa rất kém. Vì thế, thức ăn lạnh có thể khiến hệ tiêu hóa bị kích thích và hoạt động mạnh hơn, khiến bệnh trầm trọng.
Trong những ngày Tết, các gia đình thường có xu hướng bảo quản thực phẩm và thức ăn trong tủ lạnh. Nếu muốn sử dụng, người bệnh nên lấy chúng ra ngoài cho hết lạnh hoặc chế biến lại để dùng nóng.
Ngoài ra, thói quen sử dụng nước ngọt, rượu bia lạnh trong và sau mỗi bữa ăn cũng không tốt với bệnh nhân đau dạ dày. Uống đồ uống lạnh sẽ khiến dạ dày phải mở rộng mạch máu quá mức, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khác và cản trở quá trình hệ tiêu hóa hoạt động bình thường. Không những thế, nước lạnh còn làm loãng dịch dịch tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, dễ gây bệnh tiêu chảy và viêm loét dạ dày.
6/ Các chất kích thích
Không chỉ bệnh dạ dày mà đối với tất cả các bệnh khác, những chất kích thích như rượu bia, cà phê đặc, trà đặc, thuốc lá… đều được liệt vào danh sách cấm. Chúng không chỉ khiến bệnh tình nặng hơn mà còn làm tăng nguy cơ xuất huyết hoặc thủng dạ dày.
Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia ngày Tết dường như không thể thiếu trong các dịp sum họp, lễ Tết. Vậy nên, nếu không thể từ chối hãy hạn chế tối đa, chỉ sử dụng rượu bia với mục đích vui vẻ và kích thích tiêu hóa, không nên lạm dụng.
Một mẹo nhỏ cho những người đau dạ dày trong những ngày Tết này là trước khi đi chúc Tết, hãy ăn nhẹ đủ để lót dạ, tránh những tác động tiêu cực từ rượu bia.
7/ Các loại đậu
Đậu nành, đậu tương, đậu Hà Lan… hay các chế phẩm từ đậu khác như sữa đậu… có chứa carbohydrat phức hợp, khiến cho axit dạ dày bị dư thừa, gây tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Vậy nên, nếu bị đau dạ dày, người bệnh nên tránh xa những loại thực phẩm từ đậu, không nên ăn quá nhiều cùng một lúc.
Một số thực phẩm có thể làm giảm cơn đau dạ dày ngày Tết
Không chỉ quan tâm đến vấn đề kiêng gì để tránh làm tổn thương dạ dày, người bị bệnh đau dạ dày còn cần chú ý những thực phẩm nên bổ sung để tăng cường sức khỏe và nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng:
Trái cây
Người bị đau dạ dày nên bổ sung nhiều trái cây mỗi ngày, đặc biệt là các loại quả như: Táo, chuối, đu đủ,… Các loại quả này có chứa các thành phần dinh dưỡng giúp kích thích tiêu hóa, cân bằng môi trường axit trong dạ dày, tránh tình trạng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, táo bón. Bên cạnh đó, ăn táo, chuối hay đu đủ giúp làm giảm các cơn đau, co thắt, giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Rau xanh
Trong rau xanh có chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và nhiều dưỡng chất khác giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và đặc biệt tốt cho người bị đau dạ dày. Bổ sung các loại rau xanh có thể giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày. Người bệnh nên ăn nhiều các loại rau như: Rau chân vịt, mồng tơi, rau đay, bắp cải, cải cúc, súp lơ,….
Cơm trắng
Cơm trắng là thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày nhưng rất ít người biết cơm có tác dụng tốt cho người đau dạ dày. Không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể, cơm trắng còn giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm dịu các kích ứng và hấp thụ bớt lượng axit thừa cùng các chất độc hại khác.
Vì vậy ăn cơm trắng chính là cách giúp người bệnh tránh được các biểu hiện đau, khó chịu của bệnh dạ dày. Ngày tết mọi người thường ăn nhiều thức ăn và đồ ăn vặt mà không ăn cơm, tuy nhiên người bị dạ dày cần chú ý bổ sung cơm trắng trong các bữa ăn nếu không muốn bệnh tái phát.
Thực phẩm giàu Probiotic
Một trong các nguyên nhân gây nên chứng đau dạ dày là do rối loạn khuẩn đường ruột. Việc bổ sung các thực phẩm chứa Probiotic có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi, giảm đau và đẩy lùi các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, trào ngược.
Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm như: Sữa chua, Kefir,…. để kích thích hoạt động tiêu hóa diễn ra hiệu quả hơn, giảm táo bón, cải thiện sức khỏe dạ dày và tái tạo tổn thương niêm mạc ruột.
Ăn gừng
Gừng là loại gia vị quen thuộc được dùng trong các bữa ăn hàng ngày, đồng thời đây cũng là dược liệu chữa nhiều chứng bệnh khác nhau, đặc biệt, gừng rất tốt cho người bị đau dạ dày. Các hoạt chất Flavonoid, Zingiberen, Zingiberol hay Gingerol có thể làm giảm đau, chống viêm và chống dấu hiệu buồn nôn hay nôn. Không chỉ vậy, ăn gừng còn giúp giảm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó chịu. Người bệnh có thể pha trà gừng uống hoặc thêm gừng vào các món ăn ngày tết để tránh đau dạ dày.
Những lưu ý dành cho người bị đau dạ dày
Theo bác sĩ Lê Phương, ngoài chế độ dinh dưỡng, một nguyên nhân chính khiến bệnh đau dạ dày dễ tái phát vào dịp Tết là do người bệnh ăn uống không đúng giờ, ăn quá nhiều hoặc quá ít, sinh hoạt giờ giấc thất thường, ngủ khuya, ngủ không đủ giấc khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động liên tục, tăng nguy cơ tổn thương dạ dày.
Do vậy, bác sĩ Phương cũng lưu ý người bệnh trong khoảng thời gian Tết nguyên đán nên ăn uống điều độ, đúng giờ, nghỉ ngơi hợp lý, không nên ham vui mà thức khuya, sử dụng quá nhiều rượu bia, gây ảnh hưởng đến dạ dày.
Bên cạnh đó, người bị đau dạ dày cần chú ý đến một số điều sau:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành bữa nhỏ hơn để tránh dạ dày bị căng đầy và giúp các chức năng của hệ tiêu hóa được thực hiện tốt hơn.
- Tránh ăn cơm chan canh, điều này khiến thức ăn không được nhai kỹ, tạo sức ép lên dạ dày và khiến các cơn đau xuất hiện nhiều với mức độ nặng hơn. Tốt nhất bạn nên ăn canh riêng và với lượng vừa đủ để men tiêu hóa trong đường ruột không bị loãng.
- Luôn giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái bởi khi căng thẳng hoặc stress, bực tức dễ khiến cho biểu hiện của bệnh xuất hiện nhiều hơn.
- Bạn cần tránh các hoạt động chạy nhảy, lao động ngay sau khi ăn, điều này gây áp lực cho dạ dày và tạo nên những cơn đau khó chịu.
- Người bị đau dạ dày không nên dùng chung đồ cá nhân với người khác. Các đồ dùng ăn uống, sinh hoạt hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ hoặc đun qua với nước sôi để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP cho người khác qua đường ăn uống và cũng để bảo vệ bản thân tốt hơn.
- Người bệnh cần nâng cao sức đề kháng bằng việc bổ sung các vitamin, đa sinh tố.
- Trong dịp tết, bạn nên đề phòng các loại thuốc bên mình để uống ngay khi có biểu hiện đau dạ dày.
Trên đây là những lưu ý về chế độ ăn uống ngày Tết cho những người đau dạ dày. Nếu bạn đang có vấn đề về dạ dày và đường tiêu hóa, đừng bỏ qua bài viết này. Hãy xây dựng chế độ ăn uống uống ngày Tết vừa vui vẻ, đầm ấm vừa an toàn cho sức khỏe.