Viêm Xoang Hàm
Viêm xoang hàm là tình trạng viêm nhiễm xoang hàm – một trong những hốc xoang quanh mũi, nằm trên mặt. Mức độ ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng khiến tỉ lệ viêm xoang, trong đó có viêm xoang hàm ngày càng tăng cao. Nhận biết căn bệnh này như thế nào? Nó có tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm nào không và làm sao điều trị hiệu quả?
Viêm xoang hàm là gì?
Vùng mặt của con người có một hệ thống khoang rỗng được lót bởi niêm mạc được đặt tên là: Xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm. Các xoang này vừa giúp vùng sọ mặt nhẹ hơn vừa có khả năng cộng hưởng âm thanh, từ đó tạo nên giọng nói đặc trưng của mỗi người. Viêm xoang là hiện tượng lớp niêm mạc lót trong các xoang bị tổn thương do một số nguyên nhân.
Xoang hàm là hốc xoang lớn nhất trong các xoang cạnh mũi, có thể tích dao động từ 15-30ml. Vị trí của xoang này là nằm trong xương hàm trên. Xoang hàm có hình nón tháp với đỉnh là mỏm gò má của xương hàm trên và đáy là thành trong xoang hàm. Cũng giống như cấu tạo của xoang bướm, xoang hàm có 5 thành bao gồm: Thành trong, thành trên, thành dưới, thành trước và thành sau. Viêm xoang hàm là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại khu vực xoang này.
Mặc dù viêm xoang hàm có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, thuộc mọi lứa tuổi tuy nhiên nó sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm với một số đối tượng bệnh nhân, trong đó phải kể tới:
- Viêm xoang hàm ở trẻ em: Viêm mũi xoang là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh dễ tái phát nhiều lần hoặc dễ chuyển sang mãn tính nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Đối với trẻ em, sức đề kháng còn non kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên khả năng mắc viêm xoang càng cao. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và tiến hành điều trị, căn bệnh này sẽ dẫn tới hàng loạt biến chứng rất nguy hiểm như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não hay giảm thị lực…
- Viêm xoang hàm ở phụ nữ mang thai: Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ cũng có hàng loạt thay đổi, hệ miễn dịch cũng suy giảm đi phần nào. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể và phát triển. Cơ thể suy yếu, hiện tượng nghén đã khiến chị em khá mệt mỏi. Nếu bị mắc viêm xoang hàm thì mức độ khó chịu sẽ ngày càng tăng lên.
Những triệu chứng điển hình của bệnh
Thông thường, người Việt Nam thường chủ quan, không có thói quen tìm hiểu thông tin, thăm khám sức khỏe định kỳ nên chỉ khi bệnh phát triển nặng, triệu chứng rõ ràng thì mới tiến hành khám và điều trị.
Do đó, việc nắm rõ các triệu chứng của bệnh viêm xoang hàm sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện bệnh từ đó nhanh chóng áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm xoang hàm thường có những biểu hiện tiêu biểu dưới đây:
- Chảy dịch, sổ mũi: Khi khối viêm nhiễm trong hốc xoang hàm ngày càng phát triển, lượng dịch mủ cũng sẽ tăng lên dẫn tới hiện tượng chảy dịch, sổ mũi. Dịch có thể đặc sệt nếu tình trạng viêm nhiễm quá nặng.
- Nghẹt mũi: Dịch bít tắc vùng mũi sẽ khiến người bệnh có cảm giác nghẹt mũi, khó thở, thậm chí phải thở bằng mồm.
- Đau nhức: Xoang hàm nằm trong xương hàm, có lỗ thông với hốc mũi rộng, liên quan với nhiều răng hàm trên nên khi xoang này gặp vấn đề, vùng xương hàm, má cũng sẽ bị ảnh hưởng mà đau nhức.
- Điếc mũi: Khi hốc xoang bị viêm, phù nề chèn ép các dây thần kinh, người bệnh sẽ không còn khả năng nhận biết, phân được các mùi. Nghiêm trọng hơn là có thể mất hoàn toàn khứu giác nếu không được điều trị viêm xoang.
- Sốt: Cơ thể phản ứng với tình trạng viêm nhiễm xoang hàm sẽ biểu hiện bằng những cơn sốt. Mức độ sốt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm xoang hàm.
Thông thường chỉ cần tinh ý, nắm rõ kiến thức về các triệu chứng viêm xoang hàm là bạn hoàn toàn có thể phát hiện ngay bệnh lý ngay từ những thời kỳ đầu. Việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị sau đó trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
Nguyên nhân viêm xoang hàm
Viêm xoang hàm do nguyên nhân nào? Sau bước phát hiện triệu chứng, xác định nguyên nhân gây bệnh cũng hết sức quan trọng vì nó sẽ giúp bạn lựa chọn được phương hướng ngăn chặn và chữa trị phù hợp từ đó cho hiệu quả cao nhất.
- Vi khuẩn, nấm: Viêm nhiễm thường do các loại vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập, khu trú và phát triển gây bệnh tại các hốc xoang. Sống trong môi trường độc hại hoặc vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Những loại vi khuẩn gây viêm xoang phổ biến là: Hemophillus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), Klebsiella…
- Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng, đặc biệt là dị ứng hóa mỹ phẩm, lông vật nuôi, phấn hoa… sẽ có niêm mạc mũi nhạy cảm. Khi mũi dễ bị viêm nhiễm, phù nề thì xoang cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực dẫn tới viêm nhiễm dây chuyền.
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí sẽ gia tăng tình trạng người mắc bệnh viêm mũi xoang vì trong hệ hô hấp, mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên ngoài do đó đây chính là cơ quan dễ bị tác động nhất.
- Suy giảm sức đề kháng: Hàng rào bảo vệ của cơ thể bị suy yếu sẽ là cơ hội thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
- Bệnh lý đường hô hấp: Một số bệnh lý về hô hấp như tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống lông chuyển chất nhầy ra ngoài hoạt động không hiệu quả hay viêm mũi dị ứng sẽ khiến niêm mạc xoang bị bít tắc, lâu dần dễ gây viêm nhiễm.
- Sâu răng hàm trên: Xoang hàm nằm ngay bên trên hệ thống răng hàm trên vì vậy khi răng hàm bị sâu hoặc viêm nhiễm, tình trạng này có thể lây lan lên xoang hàm một cách nhanh chóng nếu không được xử lý.
Những cách chữa viêm xoang hàm
Căn cứ vào tình trạng viêm xoang hàm nặng hay nhẹ, chúng ta có 3 phương pháp chính để chữa trị là: Mẹo dân gian, Tây y và Đông y.
Cách trị viêm xoang hàm tại nhà
Cách chữa viêm xoang hàm tại nhà là áp dụng một số mẹo dân gian đã được lưu truyền lâu nay. Cụ thể, dưới đây là một số mẹo phổ biến nhất.
- Nước muối: Có khả năng sát khuẩn rất tốt nên người bệnh sử dụng nước muối rửa mũi hàng ngày.
- Tỏi: Dùng vài nhánh tỏi tươi rửa sạch, đập dập, lọc lấy nước cốt rồi pha loãng cùng một chút nước. Lấy tăm bông thấm dung dịch này vào mũi.
- Tinh dầu bạch đàn: Nhỏ vài giọt tinh dầu bạch đàn nguyên chất vào một bát nước nóng rồi tiến hành xông mũi.
- Rượu tỏi: Ngâm rượu với tỏi đã bóc vỏ trong 10 ngày rồi lấy dung dịch thu được nhỏ trực tiếp vào mũi.
- Hoa ngũ sắc: Rửa sạch hoa ngũ sắc rồi nghiền nát, ngâm trong dung dịch cồn 70 độ. Sau đó lọc lấy nước cốt, dùng bông gòn nhúng và đặt vào mũi trong vòng 10 phút.
Đọc sơ qua các mẹo dân gian kể trên, chúng ta có thể thấy là chúng rất dễ thực hiện. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp khi bệnh viêm xoang hàm mới phát triển. Trong trường hợp bệnh đã nặng thì hầu như các mẹo dân gian chỉ là tạm thời chứ không cho kết quả khả thi.
Chữa viêm xoang hàm theo phương pháp Tây y
Viêm xoang hàm uống thuốc gì? Trong Tây y, để điều trị viêm xoang nói chung và viêm xoang hàm nói riêng, bác sĩ chuyên khoa thường kê đơn một số nhóm thuốc cho bệnh nhân sử dụng.
- Thuốc kháng sinh nhóm Bêta – lactam, Cephalosporin, thế hệ 1, 2, Macrolide… điều trị kéo dài từ 7 đến 14 ngày.
- Thuốc chống sung huyết mũi giúp thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang như: Oxymethazolone 0,05%, Xylomethazoline 0,05%…
- Thuốc Corticoid giảm phù nề niêm mạc mũi xoang: Beclomethason, budesonid, flucason, methylprednisolon, dexamethason… Có thể dùng dạng xịt để điều trị tại chỗ.
- Các loại thuốc làm ẩm mũi, loãng dịch tiết mũi như nước muối sinh lý…
Bên cạnh đó, thực hiện điều trị hỗ trợ như rửa mũi, hút mũi để đỡ nghẹt mũi. Trong trường hợp phương pháp nội khoa không có hiệu quả, cần chuyển qua phương pháp ngoại khoa, tức là phẫu thuật can thiệp trực tiếp, loại bỏ các ổ viêm nhiễm trong hốc xoang. Trong khi sử dụng thuốc Tây y thường tiềm ẩn các tác dụng phụ không mong muốn, hiện tượng nhờn thuốc, sốc thuốc thì phẫu thuật lại đòi hỏi người bệnh cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe, chịu đau đớn sau khi phẫu thuật và mất nhiều thời gian hồi phục sau đó.
Có không ít trường hợp bệnh nhân dùng thuốc Tây y chữa viêm xoang không cho kết quả, bệnh tái đi tái lại trở thành mãn tính nhưng lại chưa cần thiết phải phẫu thuật khiến tình trạng bệnh lý kéo dài dai dẳng, người bệnh cam chịu “chung sống với lũ”.
Đông y chữa viêm xoang
Theo quan niệm Đông y, viêm xoang hàm là do cơ thể bị mất cân bằng âm dương, gan hỏa gây phế nhiệt, thận âm hư, hỏa vượng tạo điều kiện cho độc tố tích tụ làm tổn hao chính khí đồng thời sức đề kháng suy giảm khiến ngoại tà dễ xâm nhập.
Dựa vào căn nguyên gây bệnh viêm xoang, các bài thuốc Đông y kết hợp các vị thuốc nhằm lấy lại cân bằng âm dương, tăng cường hỗ trợ hoạt động của gan thận, giúp hỏa tự yên vị, chính khí vững hơn, cải thiện sức đề kháng, đẩy lùi tà khí đồng thời ngăn chặn ngoại tà xâm nhập.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm xoang hàm
Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc Đông y, Tây y và dân gian, người bệnh bị viêm xoang hàm cũng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Dưới đây là danh sách những loại thực phẩm người bệnh nên và không nên sử dụng:
Thực phẩm người bệnh nên ăn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị viêm xoang hàm nên bổ sung thêm một số loại thực phẩm như sau:
- Tỏi: Đây là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, trong đó chất allicin có trong tỏi được ví như một loại kháng sinh tự nhiên, giúp kháng viêm diệt khuẩn hiệu quả. Do đó, người bệnh bị viêm xoang hàm nên ăn mỏi mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Mỗi ngày bạn chỉ cần ăn 2 tép tỏi, có thể ăn sống hoặc kết hợp với các món ăn khác để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang hàm.
- Thực phẩm giàu kẽm: Các loại thực phẩm giàu kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt bò, thịt đỏ, trứng,…Việc bổ sung thực phẩm giàu kẽm sẽ giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể được cải thiện.
- Thực phẩm giàu omega 3: Nhóm thực phẩm giàu axit omega 3 như cá hồi, cá mòi, cá thu,… được chuyên gia khuyên người bệnh viêm xoang hàm nên sử dụng. Đây là nhóm thực phẩm có lợi cho người bị các bệnh về đường hô hấp nói chung và bệnh viêm xoang hàm nói riêng. Các chất dinh dưỡng có trong nhóm thực phẩm này sẽ giúp phòng ngừa sự tấn công và gây bệnh của vi khuẩn trong cơ thể.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Người bệnh cần bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Bởi đây là nhóm dưỡng chất giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Thực phẩm chống viêm: Một số loại thực phẩm có khả năng chống viêm diệt khuẩn tốt như mật ong, hành, gừng, nghệ,… Thêm những nguyên liệu nàu vào các món ăn như một loại gia vị bổ trợ sẽ giúp bữa ăn của mọi người ngon miệng hơn, đồng thời làm giảm tình trạng bít tắc dịch nhầy trong ổ xoang và làm dịu các cơn đau nhức.
Viêm xoang hàm kiêng ăn gì?
Để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu đồng thời hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị, thông tin nên kiêng ăn gì khi bị viêm xoang hàm là rất cần thiết, hữu ích đối với bất cứ bệnh nhân nào.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Theo các nghiên cứu khoa học, sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ làm tăng lượng chất nhầy trong xoang khiến tình trạng bệnh lý ngày càng nghiêm trọng.
- Đồ ăn cay nóng: Đồ ăn cay nóng không chỉ làm hiện tượng phù nề, sưng tấy trở nên trầm trọng hơn mà còn gia tăng khả năng trào ngược dạ dày – thực quản khiến vùng Tai – Mũi – Họng, trong đó có các hốc xoang bị ảnh hưởng bởi dịch vị có tính axit đậm đặc.
- Thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ: Nhóm thức ăn này làm dịch nhầy trong xoang trở nên đặc sệt, gây bít tắc, khó chịu cho người bệnh.
- Thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng: Khi bị viêm xoang hàm, hãy tránh xa các loại thực phẩm mà cơ thể bạn đã bị dị ứng trước đó vì tình trạng dị ứng sẽ khiến niêm mạc mũi xoang càng dễ bị kích thích hơn.
- Đồ uống có cồn: Tiêu biểu là rượu, bia sẽ làm cơ thể mất nước, khiến dịch nhầy đặc hơn. Ngoài ra những thứ đồ uống này còn khiến vùng niêm mạc sưng tấy hơn.
Lưu ý khi điều trị viêm xoang hàm
Để điều trị bệnh viêm xoang hàm hiệu quả, người bệnh cũng cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cần vệ sinh răng miệng, mũi họng sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối loãng để làm sạch các vùng viêm nhiễm và tránh sự phát triển lây lan của vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài việc uống nước lọc bạn cũng có thể sử dụng các loại nước hoa quả, sinh tố, nước canh,…
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như bụi bẩn, lông thú nuôi, phấn hoa,… Nên đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để bảo vệ sức khỏe của đường hô hấp.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu bia thuốc lá để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn.
- Người bệnh cần tích cực luyện tập thể dục thường xuyên để nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế sự tấn công của virus vi khuẩn gây viêm xoang.
Mặc dù thực hiện chế độ ăn khoa học, kiêng khem điều độ nhưng nếu tình trạng viêm xoang hàm đã trở nên trầm trọng thì người bệnh sẽ cần phải tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Nội dung chínhViêm xoang hàm là gì?Những triệu chứng điển hình của bệnhNguyên nhân viêm xoang hàmNhững cách chữa viêm xoang hàmCách trị viêm xoang hàm tại nhàChữa viêm xoang hàm theo phương pháp Tây yĐông y chữa viêm xoangChế độ dinh dưỡng cho người bị viêm xoang hàmThực phẩm người bệnh nên ănViêm xoang […]
Xem chi tiết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Comments are closed.