Ba kích – Đặc điểm, công dụng và các bài thuốc trị bệnh
Từ xưa đến nay, ba kích được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc. Ngoài hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị các triệu chứng về bệnh xương khớp, dược liệu này còn giúp các đấng mày râu lấy lại được “phong độ”. Bài viết sau đây sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ về các tác dụng cũng như các bài thuốc từ cây ba kích.
Cây ba kích là gì?
- Cây còn có tên gọi khác là: Cây ruột gà, ba kích thiên, chẩu phóng xì, thao tầy cáy, liên châu ba kích, ba kích nhục. diệp liễu thảo, đan điền âm vũ…
- Cây có tên khoa học: Morinda officinalis how. Thảo dược này thuộc họ Cà phê.
Đặc điểm thực vật
- Là loại cây thảo sống lâu năm, mọc thành từng bụi lớn, dạng thân leo, nhiều lông mịn ở trên thân.
- Rễ ba kích có hình trụ tròn, có đường kính 1-3cm, bên trong lõi có màu hồng nhạt, bên ngoài vỏ cứng sần sùi, màu vàng xám.
- Lá ba kích mọc đối xứng, có hình mác, hình bầu dục hoặc hình mác. Lá dài khoảng 6-14cm, rộng khoảng 2,5-6cm. Khi lá non có màu xanh lục, về già chuyển sang màu trắng giống như mốc và ít lông hơn, khi bị khô có màu nâu tím.
- Hoa thường mọc từng chùm nhỏ và tập trung thành tán ở đầu cành, có khoảng 2-10 cánh hoa mọc không đều nhau. Khi mới nở hoa sẽ có màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng. Thường nở vào khoảng tháng 5 đến tháng 6.
- Quả hình cầu, trên bề mặt có nhiều lông tơ, thường có màu đỏ thẫm khi chín. Mùa quả thường vào khoảng tháng 8-10.
Ba kích có mấy loại?
Có 2 loại ba kích tím và trắng. Hiện nay người ta trồng chủ yếu là ba kích tím. Cách nhận biết cây ba kích:
- Ba kích tím: Phần củ có màu vàng sẫm, phần thịt bên trong có màu tím. Khi ngâm rượu sẽ chuyển màu tím sẫm.
- Ba kích trắng: Phần củ có màu vàng nhạt, phần thịt bên trong màu trắng trong. Khi ngâm rượu sẽ chuyển màu tím nhạt.
Ba kích mọc ở đâu?
Dược liệu này có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được du nhập về Việt Nam.
Cây thường mọc hoang ở vùng ven rừng, các bãi hoang vùng trung du miền núi. Hiện nay cây phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta như Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình.
Bộ phận sử dụng làm thuốc, thu hái, sơ chế
Cả phần rễ, củ, lá và hoa của cây ba kích đều được sử dụng chế biến thuốc, tuy nhiên rễ vẫn là bộ phận được dùng nhiều nhất.
Sau 3 năm từ khi trồng cây có thể thu hoạch được vụ đầu tiên. Tháng 10 – tháng 11 khi quả chín có thể bắt đầu thu hoạch được. Đào rộng phần xung quanh của cây để lấy hết phần rễ.
Kỹ thuật trồng ba kích tốt sẽ cho ra những cây có rễ to mập chất lượng, sử dụng được nhiều trong bào chế thuốc.
Sơ chế: Rửa sạch loại bỏ tạp chất sau đó phơi hoặc sấy khô. Khi gần khô đập dẹt lại tiếp tục phơi. Bảo quản nơi khô thoáng.
Tác dụng của ba kích
Từ xa xưa nền y học cổ truyền và y học hiện đại đã công nhận, ba kích là một loại thảo dược quý.
Tác dụng dược liệu theo y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay ngọt, tính hơi ôn.
Quy kinh: Tỳ, Thận, Tâm, Can.
Công dụng của ba kích:
- Mạnh gân cốt, ôn thận trợ dương, khử phong thấp.
- Chữa dương ủy, lưng gối đau mỏi.
- Bổ trí não và tinh khí: chữa các bệnh sớm xuất tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, phụ nữ kinh nguyệt không đều.
- Chữa cao huyết áp.
- Giảm các triệu chứng lở loét, viêm nhiễm.
- Giúp mát gan, kích thích hệ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
- Tăng sức đề kháng, giảm đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết.
- Trị các chứng thủy thũng, chứng phong.
- Trị bụng dưới lạnh đau, tiểu không tự chủ, tử cung lạnh, kinh nguyệt không đều.
- Trị thận hư, thần kinh suy nhược, mất ngủ.
- Trị ho suyễn, tiêu chảy, ăn ít, chóng mặt.
Tác dụng dược liệu theo y học hiện đại
Theo nghiên cứu, trong dược liệu có những hoạt chất sau được công nhận có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người và hỗ trợ điều trị các bệnh là: anthraglycosid, vitamin C (chỉ có ở rễ tươi), choline, carpaine, vitamin B1, luteolin, phytosterol, đường và các acid hữu cơ.
Vậy ba kích có tác dụng gì?
- Tiêu viêm chống sưng: Vitamin C có trong ba kích có tác dụng chống oxy hóa, giúp liền nhanh các vết thương, ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn làm lan rộng vết thương.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể: Ba kích dược liệu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, sử dụng đều đặn và thường xuyên giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra nó còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, bổ sung vitamin B1 giúp chúng ta khỏe mạnh và có nhiều năng lượng.
- Tăng cường sinh lý cho nam giới: Ba kích tím có tác dụng gì với nam giới? Hoạt chất anthraglycosid, kẽm, sắt và nhiều khoáng chất trong dược liệu có tác dụng bổ sung sinh lực ở nam giới và cải thiện chuyện phòng the. Để hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương, suy nhược thể lực, chứng giảm ham muốn ở giới nam, người ta thường dùng bài thuốc ba kích ngâm với đinh lăng cùng với rượu và một vài bài thuốc khác.
- Điều trị chứng đau mỏi xương khớp, đau lưng: Củ ba kích có tác dụng gì trong điều trị các bệnh xương khớp? Theo nghiên cứu, hoạt chất Choline có trong vị thuốc này sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của đau mỏi xương khớp.
- Chữa tăng huyết áp: Nhiều nghiên cứu cho thấy ba kích có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt, nhất là chứng tăng huyết áp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
- Hỗ trợ ở người ăn ngủ kém, gầy yếu: Giúp người dùng ăn ngon, ngủ ngon.
Các bài thuốc từ cây ba kích
Dược liệu được sử dụng bằng nhiều cách khác nhau để trị bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc từ ba kích mà bạn có thể áp dụng.
Hỗ trợ điều trị lợi tiểu
- Nguyên liệu: Ba kích, ích trí nhân, thỏ ty sử, tang phiêu phiêu.
- Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu sau đó tán thành bột. Thêm ít rượu vào trộn đều hỗn hợp với nhau. Vo tròn thành từng viên nhỏ sử dụng 1 ngày 1 viên vào buổi sáng hoặc buổi tối. Nên dùng khoảng 12 viên cho mỗi liệu trình để thấy hiệu quả.
Bài thuốc điều trị tiểu không tự chủ
- Nguyên liệu: 60g ba kích rừng, 60g nhục thung dung, 60g sinh địa, 40g tang phiêu tiêu, 40g thỏ ty tử, 40g sơn dược, 40g tục đoạn, 20g sơn thù du, 20g phụ tử, 20g long cốt, 20g quan quế, 20g ngũ vị tử, 16g viễn chi, 12g đỗ trọng, 4g lộc nhung.
- Cách làm: Tán bột hòa thành hỗn hợp dạng sệt, vo tròn thành viên để uống.
Chữa liệt dương ở nam giới
Nam giới liệt dương, khó cương dương có thể dùng rượu thuốc ngâm như sau:
- Nguyên liệu: 3kg ba kích, 3kg ngưu tất sống, 5 lít rượu.
- Cách làm: Các vị dược liệu được rửa sạch để ráo, ngâm tất cả trong bình thủy tinh khoảng 3 tháng. Sau đó sử dụng sau mỗi bữa ăn, uống liên tục trong khoảng 2-3 tháng để có hiệu quả rõ rệt.
Chữa đau mỏi xương khớp bằng ba kích
Cách 1:
- Nguyên liệu: 60g ba kích, 120g ngưu tất, 60g quế tâm, 60g khương hoạt, 60g ngũ gia bì, 60g can khương, 80g đỗ trọng, 100ml mật ong.
- Cách làm: Nguyên liệu được tán nhỏ thành bột mịn, trộn hỗn hợp với mật ong, vo tròn thành từng viên nhỏ, mỗi lần uống 10 viên giúp giảm triệu chứng đau nhức xương khớp.
Cách 2:
- Nguyên liệu: 10g ba kích, 10g thục địa, 4g nhân sâm, 6g thỏ ty tử, 5g bổ cốt toái, 2g tiểu hồi hương.
- Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc sắc cùng 600ml nước, đun sôi đến còn khoảng 200ml nước thì ngưng. Uống 3 lần/ ngày.
Bài thuốc dưỡng sắc đẹp, bổ thận tráng dương
- Nguyên liệu: 60g củ ba kích, 60g cam cúc hoa, 30g câu kỷ tử, 20g phụ tử, 46g thục địa, 30g thục tiêu.
- Cách làm: Tán mịn các thảo dược trên ngâm cùng với 3 lít rượu trắng khoảng 2 tháng. Mỗi lần uống 20ml, sử dụng trước bữa ăn 15-20 phút.
Điều trị kinh nguyệt không đều ở phụ nữ
- Nguyên liệu: 120g ba kích, 20g lương khương, 80g thanh diêm, 160g nhục quế, 640g tử kim đằng, 160g ngô thù du.
- Cách làm: Vị thuốc trên được tán nhỏ, trộn thêm một ít rượu, sau đó vo tròn thành viên nhỏ, nên sử dụng sau mỗi bữa ăn.
Điều trị chứng đầy bụng
- Nguyên liệu: 30g ba kích, 30g lộc nhung, 22g mẫu đơn, 22g ngưu tất, 22g mộc hương, 30g nhục thung dung, 22g bạch linh, 22g chỉ xác, 22g hoàng kỳ, 22g phúc bồn tử, 30g phụ tử, 22g quế tâm, 22g sơn thù, 22g tân lang, 30g thạch hộc, 30g thục địa, 22g thự dự, 22g xà sàng tử, 22g tiên linh tỳ, 22g trạch tả, 22g tục đoạn, 22g viễn chí.
- Cách làm: Các vị thuốc trên được tán mịn, mỗi lần pha 15-20g với nước, uống trước mỗi bữa ăn. Để thấy hiệu quả nên dùng liên tục trong 2-3 tháng.
Bài thuốc tăng sức đề kháng, trị da xanh nhợt
- Nguyên liệu: 40g ba kích, 40g hồi hương, 40g ích trí nhân, 40g bạch long cốt, 40g phúc bồn tử, 40g bạch truật, 40g nhục thung dung, 40g mẫu lệ, 40g cốt toái bổ, 40g thỏ ty tử, 40g nhân sâm.
- Cách làm: Tán nhỏ vị thảo dược trên, trộn đều với nhau. Để trong lọ thủy tinh kín bảo quản nơi khô thoáng. Uống 2 lần sáng tối sau ăn, mỗi lần khoảng 10-20g. Tầm 1 tháng sử dụng bạn sẽ thấy cải thiện cả về làn da và cân nặng.
Điều trị chuột rút, lưng đau bằng ba kích
- Nguyên liệu: 18g ba kích, 18g ngưu tất, 18g thạch hộc, 20g đương quy, 27g khương hoạt, 27g sinh khương, 2g tiêu.
- Cách làm: Đem giã tất cả nguyên liệu trên, cho thêm 2 lít rượu, đậy kín nắp nấu khoảng 1 giờ. Để nguội uống mỗi lần 15-20ml, uống 3 lần trong 1 ngày.
Điều trị ù tai, chảy nước mắt, ngủ không ngon
- Nguyên liệu: 90g ba kích, 180g lương khương, 120g nhục quế, 120g ngô thù, 60g thanh diêm, 500g kim tử đằng.
- Cách làm: Hỗn hợp trên được tán mịn, trộn với ít rượu rồi vo thành viên, mỗi ngày uống 1 hoặc 2 viên.
Điều trị bạch trọc (tiểu ra dưỡng chấp)
- Nguyên liệu: 40g ba kích, 40g thỏ ty tử, 40g phá cố chỉ, 40g lộc nhung, 40g sơn dược, 40g xích thạch chi, 40g ngũ vị tử.
- Cách làm: Tán mịn tất cả nguyên liệu trên, trộn với rượu, vo thành viên tròn, uống trước mỗi bữa ăn.
Bài thuốc trị dương úy, di tinh, thận hư
- Nguyên liệu: 15g ba kích, 15g thục địa, 12g sơn thù du, 12g kim anh.
- Cách làm: Rửa sạch loại bỏ tạp chất, sắc với nước. Đun sôi, dùng uống 1 thang/ ngày.
Bài thuốc trị chân tay lạnh từ ba kích
- Nguyên liệu: 12g dược liệu, 12g tục đoạn, 12g bổ cốt chi, 5 quả đào nhục.
- Cách làm: Có thể sắc với nước hoặc tán bột để uống.
Điều trị suy nhược, ăn uống kém
- Nguyên liệu: 150g ba kích, 250g lá dâu non, 150g vừng đen, 150g hà thủ ô, 150g ngưu tất, 500g rau má, 250g mật ong.
- Cách làm: Tán bột hòa thành hỗn hợp dạng sệt, vo tròn thành viên nhỏ để uống.
Bài thuốc điều trị đi tiểu nhiều lần
- Nguyên liệu: 12g ba kích, 12g sơn thù du, 12g thọ tu tự, 12g tang phiêu tiêu.
- Cách làm: Sắc uống với nước hoặc tán bột.
Điều trị tăng huyết áp
- Nguyên liệu: 12g ba kích, 12g tri mẫu, 12g tiên mao, 12g dâm dương hoắc, 12g đương quy, 12g hoàng bá.
- Cách làm: Sắc cùng với 600ml nước, đun đến khi còn khoảng 200ml nước thì dừng lại, chia đều uống 3 lần trong ngày.
Ngâm rượu ba kích
Cách 1:
- Nguyên liệu: Ba kích tím khô (đã được bỏ lõi), rượu trắng.
- Cách làm: Cho nguyên liệu vào bình thủy tinh đậy kín nắp. Nhiều người thắc mắc 1kg ba kích khô ngâm bao nhiêu lít rượu? Theo nhiều thử nghiệm cho ra tỷ lệ 1kg ngâm với 5 lít rượu là hợp lý nhất. Hỗn hợp trên khoảng 1 tháng sau có thể dùng.
Cách 2:
- Nguyên liệu: 16g ba kích khô, 12g dâm dương hoắc, 12g nhục thung dung, 6g cam thảo, 16g sa sâm, 12g câu kỷ tử, 8g đương quy, 8g đỗ trọng, 3 quả đại táo, 1 lít rượu.
- Cách làm: Tất cả nguyên liệu đã được thái nhỏ, phơi khô, ngâm cùng với rượu. Sử dụng mỗi lần khoảng chừng 15-20ml.
Cách 3:
- Nguyên liệu: 30g dược liệu khô, 60g dâm dương hoắc, 30g phục linh, 9 quả đại táo, 2 bát rượu trắng, 100ml mật ong.
- Cách làm: Tán nhỏ dược liệu ngâm cùng với rượu trắng và mật ong. Đậy kín nơi khô thoáng, để 1 tháng đem ra uống.
Cách 4:
- Nguyên liệu: 1kg củ ba kích tươi, 3 lít rượu.
- Cách làm: Sau khi được rửa sạch để ráo, ngâm hỗn hợp trên khoảng 2 tháng rượu sẽ có màu tím sẫm. Uống rượu ba kích ngon nhất là thời điểm ngâm được 6-7 tháng, rượu sẽ có vị ngọt và mùi thơm.
Lưu ý khi sử dụng dược liệu
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời thì vị thuốc này sử dụng không đúng cách cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cho người dùng:
- Gây liệt dương: lõi củ ba kích chứa nhiều rubiadin gây liệt dương ở nam giới, cần sơ chế kỹ càng loại bỏ lõi trước khi dùng.
- Ức chế hoạt động hệ tim mạch: mạch đập nhanh, buồn nôn, chóng mặt…
Những đối tượng sau đây nếu muốn sử dụng ba kích nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng:
- Người bị bệnh về tim mạch.
- Người bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, đau dạ dày.
- Người có triệu chứng sốt.
- Người bị huyết áp thấp.
- Người mẫn cảm với những thành phần hóa học của thuốc.
- Không dùng quá 15g ba kích/ngày, không dùng trong thời gian kéo dài.
- Đang chữa bệnh với các dược phẩm khác không nên dùng vị thuốc này.
- Nồi kim loại sẽ làm cho tác dụng của thảo dược giảm đi, nên sử dụng nồi sứ hoặc nồi đất để sắc thuốc.
- Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ không được dùng.
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin mang lại cho quý độc giả về cây ba kích. Hy vọng đã giải đáp được những thắc mắc cho những người muốn sử dụng vị thuốc này để điều trị bệnh cho mình và người thân.