Ngũ Vị Tử Và Những Tác Dụng Trong Điều Trị Bệnh Hiệu Quả
Ngũ vị tử là một trong những vị thuốc Đông y có công dụng khá đa dạng, vừa có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng thần kinh vừa chữa đau bụng, giảm tình trạng ra mồ hôi, chữa thận dương hư đồng thời còn điều trị cả các vấn đề về gan.
Ngũ Vị Tử là gì?
Tên thông thường: Ngũ Vị Tử, Ngũ Mai Tử, Huyền Cập.
Tên trong khoa học: Fructus Schisandrae
Nhóm cây này phân làm 3 loại lần lượt là: Kadsura japonica L. – Ngũ vị tử nam, Schizandra chinensis Baill. – Ngũ vị tử bắc, Mộc lan – Magnoliaceae.
Ngũ Vị Tử chính là quả của cây Ngũ Vị đã chín, trải qua công đoạn phơi khô hoặc sấy.
Đặc điểm thực vật
Loại cây này có dạng thân leo, chiều dài dao động từ 3-5 mét. Lá có dáng hình tròn, hơi dài, độ dài khoảng 10-12 cm. Từ gốc lá nhỏ thuôn rồi mở rộng ra.
Hoa của loại cây này màu vàng, có 9-15 cánh trên một bông. Quả hình tròn to, đường kính khoảng 3cm, có màu đỏ. Hạt ngũ vị cũng có màu vàng.
Tuy nhiên, quả Bắc Ngũ Vị xếp thành bông thưa còn quả Nam Ngũ Vị xếp thành đầu hình cầu. Đây cũng là một đặc điểm giúp chúng ta có thể phân biệt hai loại Ngũ Vị khác nhau.
Nơi phân bố
Cây này chủ yếu là loại cây mọc dại ở phương Bắc. Ngoài ra còn được trồng để phục vụ nhiều mục đích khác nhau ở Trung Quốc, trong đó có mục đích thương mại.
Tại nước ta chưa thấy cây này mọc tự nhiên. Phần lớn quả ngũ vị trong các bài thuốc Đông y của nước ta là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những công dụng của Ngũ Vị Tử
Quả này có rất nhiều công dụng, đã được nghiên cứu và chứng minh trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại.
Tác dụng của cây thuốc theo y học cổ truyền
Phần quả của cây ngũ vị là bộ phận chính được thu hái để bào chế thành thuốc. Thời điểm hái quả thường vào mùa thu.
Sau khi hái và sơ chế, quả sẽ được đem phơi dưới ánh nắng tự nhiên hoặc sấy khô bằng máy công nghiệp.
Theo Đông y, quả ngũ vị có vị chua, tính ấm, qui vào kinh Thận và Phổi (tác động vào quá trình hoạt động của Thận và Phổi).
Tác dụng của vị thuốc này là: Thu liễm, phế khí, chỉ tả, chỉ khái, sáp trường, liễm hãn, an thần (Theo Trung Dược Học).
Sử dụng Ngũ Vị Tử để chữa chứng ho, khát nước, miệng khô, mệt mỏi, di tinh, tả lỵ, mồ hôi trộm.
Tác dụng của cây thuốc theo y học hiện đại
Trong y học hiện đại, Ngũ Vị Tử có tác dụng gì? Dưới đây là những công dụng cụ thể của loại cây này:
- Tác động tới hệ thần kinh trung ương: Sắc nước quả Ngũ Vị rồi uống hàng ngày sẽ giúp kích thích hệ thần kinh trung ương ở cột sống và não. Xoa dịu căng thẳng. Tác dụng kích thích ở những phản xạ có điều kiện.
- Tác động tới hệ thần kinh ngoại biên: Khi nghiên cứu, tiêm chất Schizandrin trong quả ngũ vị vào khoang bụng chuột nhắt thì thấy cơ thể bị kích thích sản sinh ra chất Cholin. Liều nhỏ kích thích tiếp nhận chất Nicotin.
- Tác động tới hệ hô hấp: Nước sắc quả Ngũ Vị Tử tác động trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương từ đó kích thích hoạt động hô hấp.
- Tác động tới hệ tim mạch: Dịch chiết xuất Alcol của loại quả này có công dụng làm giãn mạch giúp hạ huyết áp trong những trường hợp huyết áp tăng cao bất thường.
- Tác động với tử cung: Nghiên cứu trên thỏ cho thấy, Ngũ Vị kích thích đồng nhất trên tử cung thỏ dù cơ thể thỏ cái đang mang thai, không có thai hay sau khi đã sinh. Cụ thể, hoạt chất đẩy mạnh nhịp co thắt của tử cung do đó được sử dụng như một loại thuốc phá thai.
- Tác dụng chuyển hóa: Các báo cáo đều đưa ra một kết luận chung là hoạt chất trong quả ngũ vị làm tăng lượng Glycogen và Glucose ở gan đồng thời còn tăng nồng độ Acid Lactic. Thuốc còn có tác dụng gia tăng sự hấp thu chất P32, tăng cường độ hoạt động của lục phủ ngũ tạng, đẩy mạnh hoạt động của Phosphate.
- Tác dụng đối với giác quan: Làm tăng nhãn lực và tăng độ nhận biết của xúc giác.
- Điều trị suy nhược thần kinh: Tiến hành điều trị cho 73 bệnh nhân (có các triệu chứng tiêu biểu là chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, đau đầu, mất ngủ) cho kết quả 43 ca khỏi hoàn toàn, 13 ca có tiến triển tích cực.
- Có hiệu quả trong điều trị viêm gan nhiễm trùng không vàng da: Trong 102 bệnh nhân được cho uống nước Ngũ Vị, 76% bệnh nhân cho thấy tín hiệu khả quan, chỉ số SGPT hơn 300 đơn vị. Hiệu quả điều trị bệnh lý lên tới 72% mà không có tác dụng phụ.
Các bài thuốc có thành phần Ngũ Vị Tử
Liều dùng cho phép là 2-4g quả ngũ vị một ngày. Trong một vài trường hợp cụ thể có thể sử dụng 12g/ngày nhưng cần tham khảo ý kiến của lương y hoặc bác sĩ y học cổ truyền có tay nghề. Tuyệt đối không dùng liều cao nếu thời gian điều trị kéo dài.
Bài thuốc chữa thận dương hư, hoạt tinh
- Thành phần: Long cốt, tang phiêu diêu, phụ tử mỗi loại 12g và 8g quả ngũ vị.
- Thực hiện: Sắc thuốc uống hàng ngày. Mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa di tinh, mộng tinh ở nam giới
- Thành phần: 250g hồ đào nhân và 100g ngũ vị.
- Thực hiện: Ngâm quả ngũ vị khoảng nửa ngày cho mềm rồi tách hạt đem bỏ, lấy phần thịt quả sao với hồ đào nhân cho thật khô. Tiếp đó để nguội một chút rồi tán nhuyễn thành bột. Mỗi ngày uống 9g bột này pha với nước cơm hoặc nước uống.
Bài thuốc chữa viêm gan mãn tính
- Thành phần: Quả ngũ vị đã sao khô và tán mịn thành bột.
- Thực hiện: Pha bột với nước ấm. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g.
Bài thuốc chữa chứng hư nhược, ra nhiều mồ hôi
- Thành phần: Bán hạ khúc, bá tử nhân mỗi loại 125g; ma hoàng căn, mẫu lệ, nhân sâm, bạch truật, ngũ vị tử mỗi loại 63g và 30 quả đại táo.
- Thực hiện: Nấu nhừ đại táo, bỏ hạt rồi nghiền nát. Nghiền chung các vị thuốc còn lại thành bột mịn rồi trộn đều với đại táo. Tiếp đó vo thành từng viên nhỏ, có hình dạng bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-30 viên.
Bài thuốc chữa tân dịch không đủ, khát nước, miệng khô
- Thành phần: Mạch đông, đảng sâm mỗi loại 12g và 6g quả ngũ vị.
- Thực hiện: Sắc mỗi ngày 1 thang thuốc, lấy nước cốt uống.
Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh, tim đập nhanh, mất ngủ
- Thành phần: Câu kỷ tử, quả ngũ vị mỗi loại 30g; 10g nhân sâm và 500ml rượu.
- Thực hiện: Đem các vị thuốc ngâm chung với rượu trong ít nhất 7 ngày mới đem ra sử dụng. Mỗi ngày uống ít hơn 20ml loại rượu này trước khi đi ngủ. Đây cũng là một cách ngâm rượu ngũ vị tử được nhiều người áp dụng.
Bài thuốc chữa thận hư dẫn tới đau thắt lưng và nước tiểu có màu trắng đục
- Thành phần: 100g ngũ vị tử
- Thực hiện: Phơi khô sau đó tán nhỏ, viên thành từng viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 20-30 viên.
Bài thuốc chữa người già bị khí suyễn
- Thành phần: Mạch môn, ngưu tất mỗi loại 16g; 12g sa sâm bắc và 5g ngũ vị tử.
- Thực hiện: Mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc.
Bài thuốc chữa ho, hen suyễn
- Thành phần: Ngũ vị tử và phèn phi lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Tán thành bột các vị thuốc, mỗi lần dùng khoảng 12g.
Bên cạnh việc là thành phần của các bài thuốc kể trên, ngũ vị tử còn là gia vị trong một vài món ăn khá tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là món tim lợn hầm ngũ vị.
Chuẩn bị tim lợn và 9g ngũ vị tử. Sau khi rửa sạch tim lợn thì rạch đường nhỏ, nhét quả ngũ vị vào bên trong rồi khâu lại. Sau đó đem hầm cách thủy. Món ăn này dùng cho người hay hồi hộp, mất ngủ, tim đập loạn, thở gấp, vã mồ hôi và hay có cảm giác khát nước.
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Ngũ Vị Tử
Dù có những công dụng kể trên nhưng Ngũ Vị Tử cũng có thể gây ra tình trạng ngộ độc nếu sử dụng quá liều. Cụ thể, thí nghiệm trên chuột cho thấy uống từ liều 10-15g/kg trở lên sẽ có dấu hiệu quá liều, ngộ độc (cơ thể mệt mỏi, khó thở, mất ngủ).
Ngoài ra khi sử dụng Ngũ Vị Tử, cũng cần lưu ý:
- Nhiệt thịnh, mới phát ban và ho thì không nên dùng.
- Bệnh nhân bị viêm phế quản mới có triệu chứng sốt và ho không nên dùng.
- Người có biểu tà bên ngoài, thực nhiệt bên trong không nên dùng ngũ vị tử.
- Quả ngũ vị có khả năng thúc đẩy co bóp tử cung nên tuyệt đối không dùng để điều trị cho phụ nữ có thai.
- Loại thuốc này có thể làm tăng lượng dịch tiết ở dạ dày do đó cân nhắc khi dùng cho người có tiền sử bị các bệnh lý về dạ dày như viêm loét, trào ngược.
- Quả ngũ vị có tương tác với các loại thuốc khác như: Thuốc chống đông máu, nhóm thuốc Tacrolimus hay thuốc chuyển hóa gan…
- Một số tác dụng phụ khi dùng ngũ vị tử là: Phát ban da, ợ nóng, đau dạ dày, chán ăn…
Trên đây là những thông tin chi tiết về Ngũ Vị Tử và những tác dụng mà có thể bạn chưa biết. Dược liệu nào cũng có dược tính và công dụng khác nhau. Việc tìm hiểu và ghi nhớ sẽ giúp bạn nắm rõ hơn nếu đang được chỉ định sử dụng.
XEM THÊM: