Khí Hư
Khí hư hay huyết trắng là dịch tiết âm đạo của nữ giới trong độ tuổi sinh nở. Khí hư chỉ được coi là bệnh lý khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường về số lượng, màu sắc và tính chất kèm theo. Làm thế nào để phân biệt khí hư bình thường và khí hư bệnh lý, nguyên nhân và cách xử lý, phòng ngừa kèm theo ra sao, chị em hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây.
Khí hư là gì? Vai trò và phân loại
Dưới đây là những thông tin cơ bản về khí hư chị em cần nắm được trước khi phân biệt và nhận biết các dạng khí hư bất thường:
Khái niệm khí hư là gì?
Khí hư hay còn gọi là huyết trắng (Vaginal discharge) chính là dịch tiết âm đạo của phụ nữ, xuất hiện trong khoảng độ tuổi từ dậy thì cho đến mãn kinh. Đây được coi là yếu tố đánh dấu sự phát triển của cơ quan sinh dục nữ.
Thành phần và tính chất của khí hư
Nhìn bề ngoài khí hư có màu trắng trong như lòng trắng trứng, chứa các thành phần nước, pyridine, acetic acid, lactic acid, squalene, urea, hỗn hợp các Alcohol, các glycol, ketone và aldehyde. Độ pH của dịch âm đạo bình thường từ 3.8 – 4.5, giảm dần nếu chị em mắc một số bệnh lý phụ khoa.
Màu sắc, mùi và độ kết dính của dịch tiết âm đạo phụ thuộc nhiều vào tuổi tác, yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, chu kỳ kinh nguyệt, vệ sinh vùng kín và các bệnh lý phụ khoa kèm theo.
Vai trò của dịch âm đạo với nữ giới
- Bình thường, khí hư có tác dụng làm sạch, dưỡng ẩm âm đạo và cân bằng môi trường âm đạo để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm gây bệnh âm đạo.
- Khí hư còn đóng vai trò là một chất bôi trơn, giúp việc quan hệ tình dục trở nên dễ dàng hơn. Chúng còn giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng đến vòi trứng, hỗ trợ quá trình thụ tinh.
Phân loại khí hư
Dựa vào đặc điểm màu sắc, tính chất, số lượng, khí hư ở nữ giới có thể được phân loại thành 2 dạng:
- Khí hư sinh lý (khí hư bình thường)
- Khí hư bệnh lý (khí hư bất thường)
Khí hư như nào là bình thường? Cách phân biệt khí hư sinh lý và bệnh lý
Đặc điểm của khí hư cũng là dấu hiệu điển hình để cảnh báo những bất thường của sức khỏe sinh sản, sinh lý. Do đó nữ giới không nên chủ quan với những bất thường của tình trạng này. Chị em có thể nhận biết và phân biệt khí hư bình thường và khí hư bệnh lý dựa vào các đặc điểm sau:
Khí hư sinh lý
Sự phát triển và tình trạng của cơ quan sinh dục nữ là yếu tố quyết định khí hư xuất hiện khi nào, có bình thường không. Thông thường, dịch tiết âm đạo sinh lý sẽ có màu trắng, hơi keo nhẹ, trông như lòng trắng trứng, hoặc có thể ngả vàng, không ngứa, không có mùi hoặc hơi tanh nhẹ. Đặc điểm tính chất và số lượng của khí hư ở nữ giới có thể thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi, nồng độ nội tiết tố nữ, các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt và những thời điểm đặc biệt của người phụ nữ.
Lượng khí hư thay đổi theo độ tuổi
Lượng dịch tiết âm đạo ở vùng kín tiết ra thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của cơ thể người phụ nữ. Huyết trắng được hình thành do tác động của nội tiết tố Estrogen trong cơ thể nữ giới. Chính vì vậy, số lượng và tính chất của dịch âm đạo ở mỗi độ tuổi khác nhau cũng vì thế mà thay đổi.
- Trước tuổi dậy thì: Các bé gái có hệ thống sinh dục chưa hoàn thiện nên nhìn chung âm đạo không tiết dịch, tức chưa có khí hư.
- Từ tuổi dậy thì tới lúc kết thúc tuổi thiếu niên: Lúc này, buồng trứng của các bạn gái bắt đầu hoàn thiện hơn, tiết ra các chất kích thích hệ sinh dục sản sinh nội tiết tố. Đến một thời điểm, khi nồng độ estrogen đạt được nhất định, khí hư bắt đầu xuất hiện kèm theo các kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
- Giai đoạn trưởng thành (20 – 30 tuổi): Buồng trứng phát triển hoàn thiện cùng với nồng độ estrogen đạt đỉnh, lượng dịch âm đạo tiết ra nhiều nhất và ổn định nhất.
- Giai đoạn mãn tiền mãn kinh và mãn kinh: Lượng huyết trắng sẽ giảm dần theo sự suy giảm của buồng trứng và nồng độ nội tiết tố nữ.
- Thời kỳ hậu mãn kinh: Estrogen bị suy giảm nghiêm trọng dẫn tới lượng dịch huyết trắng giảm sút, phụ nữ thường bị khô âm đạo.
Khí hư thay đổi theo các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, tính chất, màu sắc của khí hư sinh lý có thể thay đổi theo. Đây có thể là dấu hiệu giúp chị em nhận biết sớm hoặc dự đoán ngày “đèn đỏ” của mình sắp đến. Cụ thể:
- Giai đoạn nang noãn: Dịch âm đạo sệt, chuyển nâu hoặc sẫm màu do lẫn vào máu kinh. Sau đó lượng dịch này sẽ giảm dần và chuyển thành dạng lỏng.
- Giai đoạn rụng trứng: Dịch âm đạo tiết ra nhiều, có dạng mềm, trắng trong, không có mùi và đôi khi có lẫn máu. Chị em thường cảm thấy ẩm ướt, khó chịu ở vùng kín của mình.
- Giai đoạn sau rụng trứng đến khi bắt đầu hành kinh (giai đoạn hoàng thể): Lượng dịch tiết giảm dần vì nồng độ estrogen giảm, lượng progesterone tăng lên. Lúc này huyết trắng thường mất đi độ ướt và có dạng keo như hồ.
Nhìn chung, màu sắc và tính chất của khí hư sẽ thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó đều là những thay đổi thông thường, mang tính chất sinh lý của dịch tiết âm đạo và không đáng lo ngại.
Khí hư bệnh lý – Nguyên nhân và triệu chứng kèm theo
Bất kỳ sự thay đổi nào của khí hư ở vùng kín không theo sinh lý về số lượng, màu sắc và tính chất đều là khí hư bệnh lý và có thể cảnh báo những tình trạng sức khỏe đáng lo ngại. Sự thay đổi đầu tiên dễ nhận biết nhất đó là tăng lượng tiết (âm đạo tiết dịch nhiều) kèm mùi hôi và độ kết dính thay đổi. Một số trường hợp bất thường còn kèm theo những triệu chứng phổ biến khác như ngứa, nóng, rát vùng kín và xung quanh âm đạo.
Một số trường hợp khí hư bệnh lý thường gặp:
Khí hư tiết nhiều, có màu trắng hoặc đặc như phô mai
- Bệnh lý: Nhiễm nấm âm đạo
- Triệu chứng: Vùng kín ngứa rát, sưng đỏ, đau nhức, đặc biệt là khi quan hệ tình dục, tiểu tiện.
Khí hư màu trong, nhầy, dính, loãng như nước nhưng không hôi
- Bệnh lý: Polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, quá sản nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Triệu chứng: Đau bụng dưới đặc biệt là trong các kỳ kinh nguyệt kèm theo máu kinh nguyệt ra nhiều.
Khí hư có màu đục, hôi nhiều, màu trắng, vàng hoặc xanh
- Bệnh lý: Viêm âm đạo, âm hộ do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng
- Triệu chứng: Ngứa, nóng, rát, sưng vùng kín kèm theo dịch âm đạo xuất hiện bọt, tanh.
Khí hư có màu vàng hoặc xanh, dày
- Bệnh lý: Viêm âm đạo do nhiễm trùng roi Trichomonas
- Triệu chứng: Khí hư có mùi hôi
Khí hư có màu vàng hoặc xanh nõn chuối
- Bệnh lý: Bệnh lậu
- Triệu chứng: Đau vùng xương chậu, nước tiểu có lẫn máu và mủ
Khí hư có màu nâu, đẫm máu
- Bệnh lý: Các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt.
- Triệu chứng: Chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu.
Khí hư có màu vàng
- Bệnh lý: Rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật
- Triệu chứng: Khí hư trong, có váng và màu vàng loãng
Nhận biết các dấu hiệu huyết trắng bất thường có thể giúp chị em phát hiện sớm nhiều bệnh lý sinh dục, phụ khoa hoặc thần kinh nguy hiểm. Do vậy, ngay khi nhận thấy huyết trắng bất thường kèm theo các vấn đề đau ngứa, nóng rát vùng kín, tiểu dắt, tiểu buốt… chị em nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiệu quả. Việc chậm trễ trong thăm khám có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và nhiều hệ lụy nghiêm trọng sau này.
Cách điều trị khí hư bệnh lý
Điều trị huyết trắng bất thường cần dựa vào nguyên nhân, loại bệnh lý mà nữ giới đang mắc phải cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh. Dựa trên kết quả kiểm tra triệu chững lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Nguyên tắc và phác đồ điều trị chung cho các trường hợp bệnh lý là:
Vệ sinh vùng kín và điều trị tại nhà
Các triệu chứng dịch tiết âm đạo ở vùng kín có mùi hôi, tiết nhiều hay tình trạng ngứa rát âm đạo có thể được cải thiện bằng cách vệ sinh và điều trị tại nhà như sau:
- Vệ sinh vùng kín bằng nước muối sinh lý
- Vệ sinh bằng sữa chua không đường
- Ngâm rửa bằng nước đun lá trầu không và muối hạt
- Ngâm rửa bằng nước lá trà xanh
Lưu ý: Các biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng không dùng thay thế thuốc điều trị bệnh.
Điều trị bằng thuốc tây y
Các loại thuốc Tây được chỉ định dựa vào căn nguyên, bệnh lý gây ra tình trạng bất thường dịch tiết âm đạo. Các thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng viêm nhiễm, đau rát âm đạo và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Một số thuốc được dùng trong điều trị dịch âm đạo bệnh lý là:
- Thuốc kháng sinh: Metronidazol, Tinidazole, Secnidazole, Fluconazole,… dùng trong các trường hợp viêm do nhiễm khuẩn.
- Thuốc đặt âm đạo: Neo Tergynan, Mebines, Mycogynax, Canesten,… dùng trong các trường hợp nhiễm nấm âm đạo.
- Thuốc mỡ bôi ngoài: Clotrimazol, Metronidazole,…
- Dung dịch vệ sinh: Intima, Crevil, Sebamed,…
- Thuốc điều trị bệnh lý kèm theo
Các loại thuốc Tây dùng trong điều trị chứng huyết trắng bất thường có ưu điểm mang lại hiệu quả nhanh và tiện lợi nhưng không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng vì có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, người bệnh cần thăm khám xác định bệnh và tuân thủ các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa
Phương pháp ngoại khoa được sử dụng trong các trường hợp dịch âm đạo bất thường do viêm lộ tuyến cổ tử cung ở mức độ nặng như:
- Đốt điện
- Áp lạnh bằng khí nitơ dạng lỏng
- Công nghệ Dao Leep
Phương pháp này thường tốn kém và có nguy cơ để lại sẹo tử cung, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở sau này. Do vậy, người bệnh cần tham vấn chuyên khoa và cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Cách phòng ngừa khí hư bệnh lý
Vùng kín của chị em là nơi ẩm ướt, ít thoáng khí, rất dễ bị vi khuẩn, vi nấm xâm nhập và gây bệnh. Để hạn chế tình trạng này, chị em cần chú ý một số vấn đề sau:
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch vệ sinh phụ nữ hằng ngày an toàn, đã được kiểm chứng.
- Không nên lạm dụng băng vệ sinh hằng ngày, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và thay mới 4 tiếng một lần.
- Quần lót nên được thay thường xuyên, ít nhất là 1 ngày/lần. Với những trường hợp dịch âm đạo ra nhiều, chị em có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày trong các trường hợp cần thiết và vệ sinh thường xuyên.
- Nên lựa chọn các loại quần lót có chất liệu cotton, thông thoáng, vừa vặn, không quá chật, không quá rộng.
- Không lạm dụng các loại thuốc đặt âm đạo, các dụng cụ thụt rửa khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ
- Điều trị triệt để các bệnh lý phụ khoa đi kèm
- Cân bằng dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, nâng cao sức đề kháng và hạn chế căng thẳng.
- Đi khám phụ khoa khi cơ thể hoặc vùng kín xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
Trên đây là những thông tin cần biết về khí hư và cách phân biệt khí hư sinh lý và khí hư bất thường giúp chị em trang bị được các kiến thức nhận biết và phòng ngừa hiệu quả cho bản thân.