Thuyết âm dương là gì? Khái niệm và ứng dụng trong y học
Thuyết âm dương là yếu tố cốt lõi trong triết học cổ đại phương Đông. Theo đó, mọi sự vật tồn tại trên vũ trụ luôn có mặt mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau, không ngừng vận động, biến hóa, phát triển, tiêu vong. Đây chính là vòng tuần hoàn cố định của thuyết âm dương. Trong y học cổ đại, thuyết âm dương quán triệt từ đầu đến cuối, xuyên suốt quá trình cấu tạo của cơ thể, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán và điều trị.
Học thuyết âm dương là gì?
Thuyết âm dương là gì? Theo đó, ngay từ 3000 năm trước, loài người đã quan sát và nhận ra sự biến đổi của mọi hiện tượng, sự vật. Họ nhận ra mỗi sự vật đều tồn tại mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau. Không chỉ vậy chúng còn tương trợ nhau để biến hóa, phát triển và cuối cùng tiêu vong. Đây chính là định nghĩa về học thuyết âm dương. Còn trong y học phương Đông, học thuyết âm dương bao quát toàn bộ hệ thống lý luận cổ từ phương pháp chẩn đoán đến chữa bệnh triệt để.
Các nhà triết học cũng cho biết, thuyết âm dương hình thành rất sớm và được ghi chép trong “Hoàng đế nội kinh” ở thời chiến quốc Tần Hán. Chúng được ứng dụng trong y học để mang đến những kết quả điều trị hiệu quả.
Âm dương luôn được xem xét trong một thể thống nhất, tuy tồn tại 2 mặt đối lập nhưng lại có sự liên kết và thống nhất với nhau. Ví dụ như trời và đất là 2 mặt đối lập, đất đại diện cho yếu tố âm ở dưới, trời đại biểu cho dương ở trên. Nếu không có trời sẽ không có đất và ngược lại, không có đất sẽ chẳng có trời.
Để phân biệt thuộc tính âm dương một cách cụ thể, các nhà triết học đã đưa ra yếu tố sau:
- Âm: Ở bên trong, bên dưới, tối, nặng, hàn lương, ức chế,…
- Dương: Ở bên ngoài, bên trên, sáng, nhẹ, ôn nhiệt, hưng phấn,…
Biểu tượng của thuyết âm dương
Thuyết âm dương được biểu thị thông qua một hình tròn có 2 hình cong đối xứng bằng nhau. Hai hình cong này ôm lấy nhau và chia thành 2 màu đen, trắng, một âm một dương.
Cụ thể, trong một nửa màu trắng còn chứa một chấm đen. Và trong nửa chấm đen lại có thêm một chấm trắng. Điều này đại biểu cho trong âm có dương, trong dương có âm. Vòng tròn âm dương là đại diện cho sự vận động, phát triển của vạn vật tồn tại trong vũ trụ, nhưng chúng đều chỉ mang tính tương đối. Vì vậy bạn có thể hiểu không có gì là dương tuyệt đối hay âm tuyệt đối.
Cùng từ vòng tròn âm dương con người có thể nhận thấy rất nhiều điều thú vị và trên đời không có gì là tuyệt đối. Ví dụ như nam giới biểu hiện cho phần dương, sự mạnh mẽ, quyết đoán, còn nữ giới là phần âm, nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Thế nhưng không phải lúc nào nam giới cũng mang yếu tố dương mạnh mẽ, và nữ giới là phần âm tĩnh lặng, dịu dàng.
Quy luật cơ bản của thuyết âm dương
Học thuyết âm dương được chia thành rất nhiều quy luật cơ bản tượng trưng cho các cặp phạm trù khác nhau. Hơn nữa chúng thể hiện chính quy luật vận động và phát triển không ngừng trong mỗi sự vật, sự việc. Đây là yếu tố cốt lõi giúp cho vũ trụ phát triển bình thường, không bị xáo trộn.
Quy luật âm dương đối lập
Quy luật âm dương đối lập cho rằng 2 mặt của âm dương luôn luôn tồn tại sự mâu thuẫn và ức chế lẫn nhau. Trong thế giới tự nhiên chúng sẽ đối lập nhau về bản chất, có yếu tố này sẽ không tồn tại yếu tố kia.
Ví dụ như sự đối lập của ngày và đêm, sáng và tối, lửa với nước,…
Quy luật âm dương hỗ căn
Quy luật âm dương hỗ căn bạn có thể hiểu một cách đơn giản là sự tương trợ lẫn nhau để tồn tại. Âm và dương đều mang đến những tác động tích cực cho mọi hiện tượng, sự vật mà không thể phát triển nếu như chỉ tồn tại một yếu tố.
Ví dụ nếu không có số âm thì sẽ không có số dương, không có đồng hóa thì không tồn tại dị hóa,…
Quy luật âm dương tiêu trưởng
Tiêu có nghĩa là tiêu vong, trưởng là phát triển, sinh trưởng. Quy luật âm dương tiêu trưởng phản ánh sự phát triển và tiêu vong của mọi vạn vật, sự việc. Nó nói lên mối quan hệ chuyển hóa của 2 mặt âm và dương.
Để hiểu rõ hơn về quy luật này các nhà triết học đã đưa ra ví dụ dụ về sự thay đổi của 4 mùa trong một năm. Nhiệt độ giữ các mùa cũng luân phiên thay đổi, từ nóng sang lạnh.
- Nhiệt độ biến đổi từ lạnh sang nóng được gọi là âm tiêu dương trưởng.
- Nhiệt độ từ thay đổi từ nóng qua lạnh được gọi là dương tiêu âm trưởng.
Cũng theo quy luật này sự vận động và tiêu vong của âm và dương chỉ mang tính giai đoạn, không tồn tại mãi mãi, chúng sẽ chuyển hóa khi ở một thời điểm nào đó.
Quy luật âm dương bình hành
Hai mặt âm và dương có sự đối lập lẫn nhau nhưng chúng vẫn không ngừng vận động và lặp lại, trở về thế cân bằng. Triết học gọi đó là thể quân bình giữa hai mặt. Khi 2 mặt này mất đi sự cân bằng vốn có sẽ phản ánh sự mâu thuẫn thống nhất, vận động và nương tựa lẫn nhau.
Ngoài những quy luật đã nêu trên, các nhà triết học còn phát hiện ra các cặp phạm trù sau:
Hai mặt âm dương có tính tương đối và tuyệt đối
Các nhà triết học cho biết sự đối lập của 2 mặt âm dương mang tính chất tuyệt đối, tuy nhiên ở trong một điều kiện nhất định chúng lại có tính tương đối. Ví dụ như hàn là yếu tố âm, đối lập với nhiệt là yếu tố dương. Thế nhưng lương (mát) lại thuộc yếu tố âm và đối lập với ôn (ấm) thuộc yếu tố dương.
Hay như trên thực tiễn lâm sàng, sốt là đại diện cho nhiệt độ cao – thuộc yếu tố dương, nếu sốt cao thuộc lý sẽ dùng thuốc có tính hàn để chế ngự, sốt nhẹ thuộc biểu thì dùng thuốc mất để khắc phục.
Trong dương chứa dương và trong âm chứa dương
Như đã nói 2 mặt âm và dương luôn tồn tại và nương tựa lẫn nhau để phát triển. Thế nhưng đôi khi 2 mặt này lại xen kẽ vào nhau để cùng phát triển. Ví dụ như sự phân chia thời gian trong một ngày 24 giờ, sự đan xen của âm dương được thể hiện như sau:
- Ban ngày thuộc yếu tố dương, thời gian từ 6-12 giờ trưa là phần dương của dương. nhưng từ 12-18 giờ lại là phần âm của dương.
- Ban đêm thuộc yếu tố âm, 18-24 giờ là phần âm của âm, nhưng từ 0-6 giờ lại là phần dương của âm.
Mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng
Bản chất và hiện tượng luôn phải phù hợp với nhau. Thế nhưng đôi khi bản chất không phù hợp với hiện tượng. Do đó trong khám chữa bệnh cần tìm hiểu và xác định chính xác bản chất để chỉ định đúng loại thuốc phù hợp, loại bỏ các yếu tố gây nên bệnh.
Quan điểm của Đông y về học thuyết âm dương
Theo Đông y, toàn bộ học thuyết âm dương là những lý luận trừu tượng về sự vận động quả vạn vật tồn tại trên vũ trụ. Chúng được xem là hệ thống lý luận sâu rộng, chính xác cho mọi phương diện trong xã hội.
Cũng trong Đông y, học thuyết âm dương được đánh giá cao và coi là hình thái quan trọng của hệ thống lý luận y học cổ truyền. Đây cũng chính là chìa khóa để giúp thầy thuốc dễ dàng lý giải và hiểu rõ hơn về hệ thống lý luận Đông y.
Theo một số tài liệu, người xưa luôn coi học thuyết âm dương là kim chỉ nam không chỉ cho lý luận mà cả trong chẩn đoán, khám chữa bệnh bằng Đông y. Khi thầy thuốc hiểu và nắm rõ các học thuyết sẽ dễ dàng giải quyết được những vướng mắc, giống nhưng tỉnh trong cơn say.
Hơn nữa Đông y cũng sử dụng học thuyết này để lý giải cụ thể về căn nguyên, bản chất của sự sống, chuyển hóa trong bệnh lý. Vì vậy học thuyết âm dương luôn xuyên suốt trong các phương diện như “Lý – Pháp – Phương – Dược” của nền y học cổ truyền. Từ đó chúng nhanh chóng trở thành nền tảng lâm sàng được đánh giá cao bởi giới chuyên môn.
Ứng dụng trong y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, học thuyết âm dương được ứng dụng rộng rãi từ đơn giản đến phức tạp. Từ yếu tố cấu tạo cơ thể, sinh lý, chẩn đoán cho đến cách chữa bệnh như bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp,… đều có sự xuất hiện cả âm dương học thuyết.
Thuyết âm dương trong cấu tạo cơ thể và sinh lý
Theo học thuyết âm dương, các cơ quan trong cơ thể con người được chia thành phần âm và dương như sau:
- Dương: Phủ, ngoài, khí, lưng, kinh dương,…
- Âm: Tạng, bụng, huyết, kinh âm,…
Trong đó, tạng thuộc phần âm, thế nhưng do định luật trong âm có dương nên y học cổ truyền còn chia thành phế khí, phế âm, thận dương, can khí, hay tâm khí,… Phủ thuộc yếu tố dương nhưng cũng theo trong dương có âm nên được chia thành vị hỏa, vị âm,…
Ngoài ra chất dinh dưỡng có trong cơ thể người được xếp vào yếu tố âm, còn cơ năng hoạt động của cơ thể là yếu tố dương. Sự phân chia rõ ràng các phần âm và dương trong cấu tạo cơ thể sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh đạt kết quả cao hơn.
Về quá trình phát triển của bệnh tật
Theo y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh trong cơ thể là do sự mất cân bằng giữa các yếu tố âm và dương. Sự bất ổn này được xác định thông qua thiên thắng hay thiên suy:
- Thiên thắng: Khi phần dương thắng có thể gây ra các chứng như sốt, mất nước, táo bón, nước tiểu đậm màu, mạch nhanh. Khi âm thắng sẽ sinh ra chứng hàn với các biểu hiện như tiêu chảy, lạnh tay chân, mạch trầm,…
- Thiên suy: Khi dương hư có thể làm não suy, hưng phấn ở thần kinh giảm. Nếu âm hư cơ thể sẽ mất chất điện giải, mất nước, ức chế thần kinh giảm.
Cũng theo những lý luận của học thuyết âm dương, quá trình phát triển và tính chất của mỗi bệnh lý còn có thể chuyển hóa lẫn nhau, giống như 2 mặt của âm dương. Trường hợp bệnh nhân bị sốt cao kéo dài cơ thể sẽ mất nước, nếu bệnh xảy ra ở phần âm sẽ gây ra những ảnh hưởng đến phần dương. Các triệu chứng thường gặp như tiêu chảy, nôn mửa, co giật, nguy hiểm hơn là thoát dương (trụy mạch).
Khi 2 phần âm dương mất đi sự cân bằng vốn có sẽ gây ra nhiều bệnh lý ở các vùng khác nhau trên cơ thể (tùy thuộc cơ quan đó ở phần dương hay âm):
- Dương thịnh sinh ngoại nhiệt: Thân nhiệt sốt cao, tay chân nóng bừng. Nguyên nhân là do lúc này phần dương thuộc biểu, thuộc nhiệt.
- Âm thịnh sinh nội hàn: Cơ thể sẽ có các triệu chứng như phân lỏng, tiêu chảy, cảm giác sợ lạnh do phần âm thuộc hàn và lý.
- Âm sinh nội nhiệt: Cơ thể có các triệu chứng như nước tiểu màu sẫm hơn, hoặc màu đỏ, họng và miệng khô rát, táo bón,…
- Dương hư sinh ngoại hàn: Luôn sợ lạnh, chân tay cũng lạnh do phần dưỡng khí bị giảm sút.
Học thuyết âm dương trong chẩn đoán bệnh lý
Thuyết âm dương được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là y học. Trong chẩn đoán bệnh lý, các lý luận của thuyết âm dương vô cùng quan trọng, nó giúp thầy thuốc đưa ra được những kết luận cuối cùng. Cụ thể:
- Căn cứ vào 4 phương pháp khám bệnh tiêu biểu, gồm: Vọng – văn – vấn – thiết (nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch). Thầy thuốc sẽ chẩn đoán triệu chứng bệnh lý này thuộc thể nhiệt hay hàn. Phương pháp này cũng giúp xác định tình trạng thực hay hư của tạng phủ kinh lạc.
- Dựa vào 8 cương lĩnh: Việc này sẽ giúp thầy thuốc đánh giá mức độ, tính chất và trạng thái, xu hướng của bệnh lý. Trong đó âm, dương được xem là 2 cương lĩnh tổng quát nhất thường gặp các bệnh ở phần thực, biểu, nhiệt thuộc dương. Các bệnh ở hàn, hư, lý thuộc âm.
- Tứ chẩn: Đây là công cụ giúp thầy thuốc khai thác triệu chứng cũng như bát cương về bệnh tật.
Ứng dụng trong việc đưa ra phương pháp chữa bệnh
Học thuyết âm dương được xem là hệ thống lý luận quan trọng có thể ứng dụng chặt chẽ trong việc đưa ra các phương pháp trị bệnh, dùng thuốc:
- Trong chữa bệnh: Dựa vào cơ chế điều hòa mang đến sự cân bằng về âm dương theo thể trạng của từng người bệnh. Mỗi một thể hàn, thực, nhiệt của bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ như uống thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt,…
- Về dùng thuốc: Căn cứ vào thuyết âm dương, y học cổ truyền chia thuốc chữa bệnh thành 2 thể hàn và nhiệt. Thuốc lạnh và mát (thuộc âm) dùng cho các trường hợp bệnh nhiệt (thuộc dương). Thuốc nóng, ấm (thuộc dương) dùng để chữa các bệnh lý hàn (thuộc âm).
- Châm cứu: Bệnh thể nhiệt sẽ dùng châm, thể hàn dùng cứu. Đối với những người bị hư cần bổ, thực cần tả. Nếu bệnh ở tạng (thể âm) cần dùng các huyệt Du ở sau lưng (mang yếu tố dương), bệnh ở phủ (thuộc thể dương) cần ấn vào các huyệt Mộ (thể âm). Việc châm cứu cần được thực hiện theo đúng nguyên tắc tác động để mang đến kết quả điều trị tốt nhất.
Hiện nay học thuyết âm dương được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và cả y học, trở thành nền tảng vững chắc cho hệ thống lý luận của Đông y. Theo đó, trong y học cổ truyền, âm dương được xem là quy luật căn bản của thế giới tự nhiên, yếu tố đặc trưng nhất, mang tính bản chất của nội tại sự vật. Bởi lẽ học thuyết luôn thể hiện 2 trạng thái đối lập nhưng tương trợ nhau, là xu hướng vận động của mọi sự vật, hiện tượng.
Như vậy chúng ta có thể thấy học thuyết âm dương là sự đối lập, tương trợ của mọi sự vật, hiện tượng trên vũ trụ. Chúng được xác định dựa trên tính chất, xu thế dịch chuyển, vị trí, vận động,… của vạn vật. Đây là học thuyết khá trừu tượng với những phạm trù quan hệ đối lập nhau. Thế nhưng khi xét rộng ra nó lại bổ sung cho cơ sở lý luận chặt chặt giữa các sự vật, hiện tượng. Là công cụ đắc lực trong việc khám và chữa bệnh theo Đông y.