Hạt gấc: Đặc điểm, công dụng và những bài thuốc tốt nhất
Hạt gấc từ xưa đến nay đã là một vị thuốc có khả năng điều trị rất nhiều chứng bệnh, mang lại nhiều lợi cho sức khỏe con người. Vậy đặc điểm dược tính của loại dược liệu này ra sao? Có công dụng như thế nào? Tất cả những thắc mắc sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Đặc điểm, dược tính, tác dụng của hạt gấc
Hạt gấc là một vị thuốc được sử dụng khá phổ biến trong Đông y. Trước khi đến với thông tin về các bài thuốc, hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm của loại hạt này.
Đặc điểm
Gấc là một loại cây dây leo, mỗi năm sẽ khô héo một lần và vào mùa xuân năm sau từ gốc lại mọc ra nhiều thân mới. Vào tháng thứ 6, cây bắt đầu có quả non, bên ngoài quả có màu đỏ, nhiều gai mềm.
Hạt nằm bên trong quả được xếp thành hàng dọc, quanh hạt có màng màu đỏ máu. Khi bóc lớp vỏ ngoài ra sẽ thấy một lớp vỏ cứng màu đen, quanh mép hạt có răng cưa tù và rộng. Hạt có đường kính chừng 25 – 35mm, dày khoảng 5 – 10mm.
Dược tính
Trong Đông y, hạt gấc có tên gọi là mộc miết tử, vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh như phù thũng, mụn nhọt, lòi dom.
Trong loại hạt này có chứa 6% nước, 2.9% chất vô cơ, 55.3% chất béo, 16.6% chất protit, 2.9% đường, 1.8% tanin, và 11.7% chất không xác định được. Ngoài ra, còn có một số khoáng chất vi lượng như đồng, sắt, coban và đặc biệt là kẽm và selenium – một chất mới được biết đến với công dụng phòng chống bệnh ung thư.
Trong dân gian, nhiều gia đình có thói quen để dành hạt gấc sống hoặc đã qua đồ xôi, chặt đôi rồi đem mài với rượu hoặc dấm thanh. Sử dụng hỗn hợp này để bôi lên chỗ sưng tấy do mụn nhọt hoặc sưng do quai bị. Bôi nhiều lần trong ngày, cứ khô rồi lại bôi, hoặc giã nhân hạt gấc với rượu và đắp lên chỗ sưng.
Một số bài thuốc phổ biến từ hạt gấc
Cho đến nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu và kinh nghiệm dân gian đã chứng minh công dụng của hạt gấc bao gồm kháng viêm, giảm đau mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số bài thuốc từ vị thuốc này được áp dụng phổ biến nhất.
Tác dụng của hạt gấc trị đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp là triệu chứng phổ biến ở các đối tượng ở tuổi trưởng thành cho đến trung niên. Nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp có thể đến từ các thói quen hằng ngày, do tuổi tác hoặc là triệu chứng của các bệnh lý như gout, thoái hóa khớp. Theo kinh nghiệm truyền lại từ dân gian, người ta thường ngâm hạt gấc với rượu để dùng bôi lên chỗ bị đau, cách làm cụ thể như sau:
Chuẩn bị: 50 hạt quả gấc chín đã được đồ chung với xôi, rượu trắng 45 độ.
Cách thực hiện:
- Hạt gấc đem rửa sạch với nước, để ráo rồi sau đó nướng trên bếp than cho đến khi vàng đều, đem đổ ra rổ tre.
- Chờ đến khi nguội thì dùng dao tách vỏ lấy ruột hạt, bỏ vào chai. Đổ rượu vào, đậy nắp lại và ngâm trong vòng 1 – 2 tuần.
- Khi sử dụng, lấy rượu bôi lên chỗ đau, kết hợp xoa bóp để hoạt chất thấm sâu vào bên trong. Sử dụng hằng ngày sẽ giúp tình trạng đau, viêm khớp được cải thiện rõ rệt.
Công dụng của hạt gấc trị mụn, làm đẹp
Màng bên ngoài của hạt gấc có chứa nhiều vitamin A tự nhiên, giúp tái tạo làn da, nuôi dưỡng da trắng mịn, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, với thành phần hoạt chất lycopene và vitamin E tự nhiên còn có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da an toàn.
Để hỗ trợ điều trị tình trạng nám da, da có nhiều vết thâm, bạn nên ăn màng ngoài của hạt. Hoặc dùng tinh dầu gấc đắp mặt nạ 1 – 2 lần/tuần.
Một số bài thuốc khác
Trả lời cho câu hỏi hạt gấc chữa bệnh gì? Các chuyên gia về Y học cổ truyền đã khẳng định đây là một vị thuốc rất đa năng. Có rất nhiều bài thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau thể hiện công dụng của loại hạt này, cụ thể như sau:
- Chữa hoàng đản (triệu chứng vàng da, tiểu vàng do uống quá nhiều rượu): Sử dụng 2 – 3 hạt gấc, mài với dấm gạo rồi cho người bệnh uống 3 lần, mỗi lần 30ml.
- Chữa cước khí (triệu chứng hai chân bị sưng đau lâu ngày): Lấy nhân hạt gấc thái lát, trộn với cám gạo sao vàng, ép bỏ dầu rồi tán nhỏ, bột quế 20g. Mỗi lần sử dụng 8g pha với nước và rượu trắng, uống ngày vài lần cho ra mồ hôi.
- Chữa sán khí (Triệu chứng dịch hoàn sưng đau): Nhân hạt gấc lấy 30g, mài với dấm thanh rồi bôi vào chỗ đau ngày vài lần.
- Chữa bệnh trĩ (Lòi dom): Lấy 2 – 3 hạt mộc miết tử đem đi giã nát, rồi hòa tan với nước để tạo thành dung dịch xông rửa. Bên cạnh đó lấy nước đặc bôi lên búi trĩ ngày vài lần để hỗ trợ trị bệnh hiệu quả.
- Chữa loa lịch (triệu chứng xuất hiện nhiều hạch sưng đau ở cổ): Lấy 2 cái nhân hạt gấc, ép bỏ dầu rồi hòa với lòng trắng trứng gà. Chưng với trứng gà thật chín dùng sau bữa cơm.
- Chữa quai bị: Lấy 40g nhân hạt gấc, xích tiểu đậu, 40 đại hoàng. Các vị tán nhuyễn hòa với dầu mè bôi vào chỗ đau ngày vài lần sẽ thấy tình trạng bệnh thuyên giảm.
- Chữa răng lợi sưng đau: Hạt gấc giã nhỏ, hòa với nước. Ngậm dung dịch trong khoảng 30 phút rồi nhổ đi.
Lưu ý khi sử dụng hạt gấc
Mặc dù đây là một vị thuốc khá lành tính và an toàn, tuy nhiên khi sử dụng bạn cũng cần lưu ý một số điểm như sau:
- Nhân của hạt có tính độc nên chủ yếu là chỉ dùng để đắp ngoài da. Tác dụng của nhân hạt gấc có thể rất mạnh.
- Không dùng cho người bị hư nhược, không có huyết ứ.
- Nếu sử dụng hạt này để uống chỉ sử dụng khoảng 2 – 4g (1 – 2 nhân)/ngày, trước khi dùng nên làm chín hạt trước.
Trên đây là những thông tin chi tiết về hạt gấc cũng như công dụng và các bài thuốc được ứng dụng phổ biến từ loại hạt này. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp ích cho bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc ý kiến đóng góp nào vui lòng để lại bình luận ở bên dưới bài viết.