Viêm Da Dị Ứng
Viêm da dị ứng là một bệnh lý phổ biến, gây tình trạng da khô ngứa, tróc vảy và nứt nẻ. Việc chẩn đoán viêm da dị ứng khá đơn giản nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để. Bài biết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này, đồng thời hướng dẫn các phương pháp điều trị phòng tránh hiệu quả.
Bệnh viêm da dị ứng là gì? Vị trí và phân loại
Viêm da dị ứng là một tình trạng tổn thương da mãn tính, đặc trưng bởi dấu hiệu ngứa và đỏ da. Trong các trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện các mụn nước, mụn mủ chứa đầy dịch lỏng. Đây là dạng viêm da phổ biến nhất, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành hoặc suốt đời.
Viêm da dị ứng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da trên cơ thể nào nhưng chủ yếu xuất hiện ở cánh tay và phía sau đầu gối. Triệu chứng và mức độ tổn thương ở các vị trí mắc bệnh có thể khác nhau nhưng nó có xu hướng tái phát theo đợt, sau đó giảm dần và biến mất.
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da dị ứng vẫn chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh có liên quan mật thiết để yếu tố miễn dịch, bùng phát do đáp ứng quá mẫn của cơ thể với một hoặc một vài yếu tố kích thích đến từ môi trường bên ngoài. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng, quá mẫn, đi kèm với các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
Dựa vào đặc điểm bệnh học, người ta chia viêm da dị ứng thành các loại sau:
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: Xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị ứng trong môi trường như phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc, hóa chất…
- Viêm da dị ứng thời tiết: Bệnh liên quan đến sự thay đổi ở nhiệt độ, độ ẩm và khí hậu môi trường, thường phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa, mùa lạnh.
- Viêm da dị ứng cơ địa: Thường gặp ở những người cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với các yếu tố bên ngoài.
- Viêm da dị ứng mỹ phẩm: Xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các loại mỹ phẩm, nước hoa có chứa chất gây kích ứng.
- Viêm da dị ứng bội nhiễm: Là tình trạng nặng của bệnh viêm da dị ứng, xảy ra khi các tổn thương da bị nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Triệu chứng viêm da dị ứng
Bệnh viêm da cơ địa có một biểu hiện điển hình như:
- Da khô
- Phát ban hoặc xuất hiện các mụn nước, sau đó chảy dịch
- Da có màu đỏ, sau đó chuyển sang màu nâu – xám, đặc biệt là các vùng da ở bàn tay, chân, mắt cá chân, cổ tay, ngực, cổ, khuỷu tay, đầu gối, mí mắt…
- Ngứa, thường dữ dội hơn vào ban đêm. Ngứa dữ dội khiến người bệnh gãi nhiều, gây ra các tổn thương hở, trầy xước, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm da dị ứng bội nhiễm
- Da dày, nứt hoặc có vảy. Da nhăn và thâm hơn ở khu vực quanh mắt.
Ngoài ra, ở mỗi nhóm đối tượng, lứa tuổi bệnh sẽ có các triệu chứng khá nhau. Cụ thể là:
1. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh
- Xuất hiện các nốt hoặc mảng da màu đỏ, sẩn, loang lổ trên khuôn mặt, má, da đầu hoặc mặt trước cánh tay, cẳng chân, sau đó bong vảy và chảy dịch.
- Ngứa dữ dội
- Dễ nhiễm trùng
- Tình trạng này thường xuất hiện từ lúc trẻ 6 – 12 tháng tuổi và cải thiện dần khi trẻ đến 18 tháng tuổi.
2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ lớn
- Các dấu hiệu khởi phát từ phía sau đầu gối, bên trong khuỷu tay, 2 bên cổ tay, mắt cá chân, bàn tay và cổ ngực.
- Các tổn thương da dạng phát ban đỏ, sần sùi, ngứa. Sau đó trở nên cứng, có vảy khi trầy xước.
- Vùng da quanh môi có thể bị khô, viêm nhiễm. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường có thói quen liếm môi khi môi khô dẫn đến các vết nứt nhỏ, đau đớn và gây khó khăn khi trẻ ăn uống, nói chuyện.
- Một số trường hợp nghiêm trọng, tình trạng tổn thương da có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.
- Bệnh có thể tự cải thiện hoặc biến mất khi trẻ được 5 – 6 tuổi hoặc có thể kéo dài đến tuổi trường thành.
3. Triệu chứng viêm da ở người lớn
- Các triệu chứng viêm da thường tương tự như trẻ em. Bệnh có thể chỉ xuất hiện ở bàn tay, bàn chân hoặc lan rộng ra các bộ phận lân cận.
- Bệnh có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
- Triệu chứng viêm da cơ địa có thể khác nhau hoặc thay đổi liên quan đến tính chất công việc, đặc biệt là những công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
Nguyên nhân viêm da dị ứng? Bệnh có lây không?
Nguyên nhân gây bệnh viêm da dị ứng hiện nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Bệnh được cho là hệ quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường. Nếu cha mẹ có tiền sử mắc bệnh thì con cái trong gia đình có khả năng mang gen bệnh lên tới 80%. Ngoài ra một số yếu tố được cho là có thể làm bùng phát hoặc nặng hơn căn bệnh viêm da này là:
- Sự suy giảm miễn dịch
- Da tiết mồ hôi quá nhiều
- Thời tiết khô và lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm thấp
- Tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, tắm lâu
- Stress, căng thẳng, áp lực
- Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, dung môi, chất tẩy rửa, xà phòng
- Sử dụng, tiếp xúc với lông cừu hoặc quần áo sử dụng vải nhân tạo
- Khói thuốc lá
- Bụi bẩn, nấm mốc
- Bị tổn thương do côn trùng đốt hoặc chấn thương ngoài da
Cần lưu ý, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây viêm da dị ứng. Tuy nhiên, người bị viêm da dị ứng có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm. Ngoài ra, viêm da dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, không có tính chất lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, căn bệnh viêm da này có thể di truyền từ mẹ sang con. Bởi vậy, các thành viên trong cùng gia đình có thể đều mắc bệnh.
Viêm da dị ứng có nguy hiểm không? Bao lâu thì khỏi?
Về bản chất, viêm da dị ứng là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, do có tính chất mãn tính, kéo dài và dễ tái phát nên bệnh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Ngoài ra, một số trường hợp, dị ứng da không được điều trị đúng cách có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh như:
- Hen suyễn: Viêm da dị ứng có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch quá mẫn ở cơ thể người trong giai đoạn đầu đời. Hơn một nửa số trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa có thể phát triển thành hen suyễn ở tuổi 13.
- Ngứa mãn tính, da có vảy: Khi người bệnh gãi nhiều do ngứa có thể làm cho da bị đổi màu, dày, sạm và hình thành thói quen gãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến một tình trạng da gọi là viêm da thần kinh – lichen simplex mạn tính.
- Nhiễm trùng da: Gãi nhiều lần làm da bị trầy xước, tổn thương, gây ra vết loét và vết nứt. Đây là điều kiện làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ vi khuẩn và vi-rút, bao gồm cả vi-rút Herpes Simplex gây bệnh viêm da virus.
- Nhiễm trùng huyết: Là biến chứng sau nhiễm trùng da do vi khuẩn đi từ da vào máu vào gây tổn thương bên trong cơ thể. Đây là một tình trạng nặng, có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Sốc phản vệ: Là tình trạng dị ứng nặng, gây suy hô hấp, trụy tuần hoàn, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Rất khó để xác định viêm da dị ứng bao lâu thì khỏi. Một số trường hợp viêm da có thể kết thúc sau thời điểm bùng phát ở giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, một số khác có thể kéo dài đến tuổi trường thành hoặc thậm chí suốt đời.
Thời gian hồi phục bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cơ địa, thể trạng, thể bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và quá trình, phương pháp điều trị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều trị sớm, tích cực và đúng các là yếu tố quan trọng nhất giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh và hạn chế các nguy cơ tái phát bệnh.
Chẩn đoán và điều trị viêm da dị ứng
Không có thử nghiệm xác định chính xác bệnh viêm da dị ứng. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm da dị ứng dựa trên triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm da như:
- Test dị ứng da
- Soi da
Điều trị viêm da dị ứng nhằm mục đích giảm viêm, giảm ngứa và ngăn ngừa tái phát trong tương lai. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, người bệnh có thể áp dụng một số cách chữa sau:
Cách chữa viêm da dị ứng bằng lá cây tại nhà
Cải thiện bệnh viêm da dị ứng bằng các mẹo dân gian là phương pháp được nhiều người sử dụng và mang lại hiệu quả nhất định. Các thảo dược được sử dụng là thuốc trong phương pháp này đều khá an toàn, lành tính, dễ kiếm và tương đối rẻ tiền.
Một số cách giảm viêm, giảm ngứa bằng mẹo dân gian:
- Sử dụng lá trầu không: Rửa sạch 1 nắm lá trầu không rồi ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 15 phút. Vò nát lá trầu và đun sôi cùng 3 lít nước sạch trong khoảng 10 phút. Dùng nước này pha loãng hoặc để nguội bớt đến nhiệt độ thích hợp thì đem ngâm và rửa vùng da cần điều trị.
- Sử dụng lá mướp đắng: Chuẩn bị 1 nắm lá mướp đắng rửa sạch, ngâm nước muối loãng. Vò nát lá mướp đắng rồi chà nhẹ nhàng lên vùng da bị viêm, sau đó rửa lại với nước sạch. Thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.
- Dùng lá chè xanh: Đun sôi 1 nắm lá chè xanh đã rửa sạch với nước. Dùng nước này để ngâm, tắm, rửa vùng da bị bệnh mỗi ngày cho đến khi bệnh được cải thiện.
- Dùng lá đơn đỏ: Dùng 1 nắm lá rửa sạch, đun sôi với nước sạch rồi pha thêm nước lạnh đến nhiệt độ vừa phải. Lấy nước này tắm, rửa mỗi ngày.
Các mẹo dân gian có hiệu quả hỗ trợ cải thiện triệu chứng an toàn, lành tính nhưng không thể thay thế thuốc chữa bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nặng. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng. Nếu có bất thường trong quá trình sử dụng cần ngừng ngay và đi khám để được xử lý kịp thời.
Thuốc điều trị viêm da dị ứng – Tây y
Việc dùng thuốc điều trị viêm da dị ứng phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của bệnh và tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị bệnh bao gồm:
Thuốc bôi ngoài da
- Kem dưỡng ẩm: Nên lựa chọn các loại kem trung tính, pH thích hợp, không chứa chất tạo mùi và chất bảo quản. Bôi mỗi ngày 1 – 2 lần tùy vào tình trạng khô da. Trước khi bôi nên test dị ứng lên vùng da mỏng mặt trong cổ tay trong khoảng 15 phút để xem nó có phù hợp với làn da của bạn không.
- Corticoid bôi da: Bao gồm các nhóm rất mạnh (clobetasol propionate, diprolene), nhóm mạnh (betamethasone valerate 0,01%, 0,1%), nhóm vừa (hydrocortison 1%, 2,5%; dexamethason 0,1%…). Nhóm mạnh được chỉ định cho người lớn. Nhóm vừa dành cho các tổn thương ở mặt hoặc tổn thương trên diện rộng. Nhóm rất mạnh chỉ dụng trong thời gian ngắn trên các tổn thương nặng, nhỏ.
- Thuốc ức chế miễn dịch Tacrolimus: Được dùng cho trẻ em và người lớn trong trường hợp viêm da nặng, ít hoặc không đáp ứng với corticoid.
Thuốc dùng đường toàn thân (uống và tiêm)
- Thuốc chống dị ứng, kháng histamin: Loratadin, Diphenhydramine, Cetirizin… có thể giảm ngứa và tạo cảm giác buồn ngủ, rất hữu ích trong trường hợp người bệnh mất ngủ do ngứa.
- Thuốc kháng sinh: Sử dụng khi có bội nhiễm do vi khuẩn, vết rách da, vết nứt do chấn thương hoặc gãi.
- Corticosteroid đường uống: Dùng corticosteroid uống ngắn ngày trong các trường hợp viêm nặng. Chẳng hạn như prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason… để kiểm soát triệu chứng và giảm viêm sưng da. Những thuốc không thể được sử dụng lâu dài vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
- Ciclosporin: Là một loại thuốc giảm miễn dịch, nhằm cải thiện các triệu chứng bệnh. Thuốc chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Khi điều trị viêm da dị ứng bằng thuốc tây, người bệnh cần lưu ý sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi khi dùng thuốc không đúng cách, không những khiến bệnh kéo dài hoặc trở nặng mà còn gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.
Quang trị liệu
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh còn có thể điều trị viêm da dị ứng bằng các phương pháp quang trị liệu hay sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo (UVA, UVB). Mặc dù hiệu quả nhưng điều trị lâu dài bằng phương pháp này có thể gây lão hóa da sớm, tăng nguy cơ ung thư da.
Bị viêm da dị ứng kiêng ăn gì, nên ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh viêm da dị ứng. Mặc dù thức ăn không đóng vai trò làm khởi phát bệnh nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị.
Một số thực phẩm người bệnh nên tránh
- Các loại hải sản: Tôm, ghẹ, sò, cua, ốc…
- Các loại thịt đỏ: Thịt cừu, thịt bò…
- Các loại hạt: Đậu phộng, lạc, đậu nành…
- Thực phẩm lên men: Cà muối, dưa muối, kim chi…
- Thức ăn nhiều đường, muối
- Đồ ăn sẵn, thực phẩm đóng hộp
- Thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ
- Bia, rượu, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Một số thực phẩm nên tăng cường
- Các loại rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin A, C, E…
- Thực phẩm giàu kẽm
- Ngũ cốc nguyên cám
- Uống nhiều nước
Chăm sóc và phòng bệnh như thế nào?
Để rút ngắn thời gian điều trị và phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng tái phát, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tránh cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương
- Bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày 1 – 2 lần, đặc biệt là sau khi tắm để cân bằng độ ẩm cho da
- Thận trọng khi lựa chọn và sử dụng các loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc và làm sạch da như sữa tắm, dầu gội, nước hoa, mỹ phẩm, sữa rửa mặt… Nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không chứa chất bảo quản, hương liệu….
- Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, không tắm quá lâu, có thể sử dụng các loại dầu tắm tự nhiên để hạn chế khô da
- Lựa chọn quần áo thoáng mát, mềm mại, có chất liệu vải cốt tốt hoặc sợi tự nhiên, không nên sử dụng các loại vải sợi len, bông, sợi tổng hợp, lông cừu. Không mặc quần áo bó sát vì có thể gây cọ xát, làm tăng tình trạng tổn thương.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, bụi bẩn, khói thuốc lá….
- Kết hợp sử dụng thuốc đúng cách và xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý để tăng cường miễn dịch hiệu quả.
Viêm da dị ứng là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất ở Việt Nam. Mặc dù lành tính nhưng nếu không được kiểm soát kịp thời, đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Do đó, ngay khi các những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nội dung chínhBệnh viêm da dị ứng là gì? Vị trí và phân loạiTriệu chứng viêm da dị ứng1. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ lớn3. Triệu chứng viêm da ở người lớnNguyên nhân viêm da dị ứng? Bệnh có lây không?Viêm da […]
Xem chi tiếtNội dung chínhBệnh viêm da dị ứng là gì? Vị trí và phân loạiTriệu chứng viêm da dị ứng1. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ lớn3. Triệu chứng viêm da ở người lớnNguyên nhân viêm da dị ứng? Bệnh có lây không?Viêm da […]
Xem chi tiếtNội dung chínhBệnh viêm da dị ứng là gì? Vị trí và phân loạiTriệu chứng viêm da dị ứng1. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ lớn3. Triệu chứng viêm da ở người lớnNguyên nhân viêm da dị ứng? Bệnh có lây không?Viêm da […]
Xem chi tiết